Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề nâng cao sức khoẻ, tập luyện thể dục thể thao. Ngoài việc tham gia các bộ môn thể thao, những sản phẩm, thiết bị giúp thư giãn, nâng cao sức khoẻ tại nhà được nhiều người ưu tiên chọn lựa. Nổi bật trong số đó phải kể đến các sản phẩm ghế massage.
Bên cạnh đó, với việc ngày càng nhiều người trẻ gặp phải vấn đề sức khỏe do thói quen làm việc và sinh hoạt, ngồi văn phòng, lười vận động, việc theo đuổi các trải nghiệm tăng cường sức khỏe ngày càng rõ ràng. Ghế massage với ưu điểm như thoải mái, nhanh chóng, tiện lợi… sẽ dần thay thế massage thủ công truyền thống và trở thành trào lưu mới.
Mặt khác, trước việc gia tăng tốc độ già hóa dân số, nhu cầu sử dụng các sản phẩm massage của người trung niên và cao tuổi cũng sẽ tăng lên. Mỗi loại máy massage đều có ưu thế riêng, nhiều tính năng đa dạng, kiểu dáng và mức giá khác nhau. Theo đó, giá tiền của mỗi chiếc máy cũng dao động từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Nắm bắt nhu cầu đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và cứ mỗi năm, thị trường Việt Nam lại chứng kiến sự ra đời của hàng loạt thương hiệu ghế massage. Điều này cũng góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu ghế massage có chất lượng tốt, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất và quảng bá chuyên nghiệp, vẫn còn một số thương hiệu không rõ nguồn gốc được phân phối trên thị trường. Thậm chí, để gia tăng doanh thu, có thương hiệu ghế massage còn không ngại tung ra những ”chiêu” bài quảng cáo sai sự thật về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm để dẫn dụ, thu hút người tiêu dùng. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng không biết sản phẩm có thực sự tốt như quảng cáo của doanh nghiệp hay không.
Thời gian qua, thông tin về việc nhiều sản phẩm ghế massage TOSHIKO của Công ty TNHH TOSHIKO Việt Nam quảng cáo với nội dung sai sự thật, không đúng chất lượng thực tế, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khiến dư luận không khỏi bức xúc. Công ty TNHH TOSHIKO Việt Nam có địa chỉ tại số 104 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Chu Văn Cương.
Theo phản ánh, trên trang website và Facebook thuộc sở hữu của công ty, nhiều sản phẩm ghế massage TOSHIKO được quảng cáo có khả năng trị liệu chuyên sâu, điều trị các bệnh về xương khớp, bệnh của người cao tuổi.
Cụ thể, trên website Toshiko.vn, sản phẩm ghế massage TOSHIKO T21 được quảng cáo có tác dụng giúp “giảm căng thẳng, căng thẳng, và lo lắng; Thư giãn và giảm bớt các cơn đau; Cải thiện lưu lượng máu; Tăng cường hệ miễn dịch; Giảm áp lực lên cột sống; Cải thiện cấu trúc xương sống; Nâng cao chất lượng giấc ngủ”.
Một sản phẩm khác là ghế massage TOSHIKO T9900 cũng được quảng cáo có khả năng giúp “Giảm đau mỏi cơ bắp; Hạn chế đau nhức xương khớp; Cải thiện tuần hoàn máu, phổi; Làm dịu các cơn đau đầu; Cải thiện cấu trúc xương sống; Phục hồi chấn thương hiệu quả; Hỗ trợ tiêu hoá tốt hơn; Điều chỉnh huyết áp; Trẻ hoá làn da; Giảm thiểu tình trạng stress, căng thẳng và lo lắng; Tăng chất lượng giấc ngủ; Cải thiện sự tập trung”.
Trên trang Facebook Toshiko Việt Nam, sản phẩm ghế massage TOSHIKO T8 được quảng cáo dùng để “phòng tránh và điều trị nhiều căn bệnh cho người cao tuổi; tăng khả năng tuần hoàn máu, giúp lưu thông máu nhanh cải thiện huyết áp”.
Mặc dù quảng cáo sản phẩm có khả năng điều trị bệnh, trị liệu các bệnh về xương khớp, tăng cường miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu và phổi… nhưng phía Công ty TNHH TOSHIKO Việt Nam lại không đưa ra bằng chứng, căn cứ khoa học nào liên quan tới việc ghế massage của công ty có các công dụng kể trên là sự thật.
Trong khi đó, trên thực tế, những loại ghế massage chủ yếu có chức năng massage, thư giãn, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu cho người dùng. Phần lớn những bệnh như xương khớp, cột sống là bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài và khoa học. Việc ghế masage được quảng cáo sử dụng chế độ sưởi ấm giúp tăng tuần hoàn, trị bệnh là không đúng sự thật. Đây là những phương pháp chữa bệnh chưa được chứng minh một cách khoa học và chưa được Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng.
Trên website của Công ty TNHH TOSHIKO Việt Nam còn đăng tải hàng loạt bài viết tư vấn về các bệnh liên quan tới xương khớp, thoái hoá xương khớp. Sau đó, gắn với thương hiệu sản phẩm ghế massage TOSHIKO để thu hút người dùng. Điều này dễ khiến người dùng hiểu lầm công dụng thực sự của sản phẩm trong việc điều trị các bệnh kể trên.
Câu hỏi đặt ra, vì sao những nội dung quảng cáo như trên lại xuất hiện trên các website, Facebook của Công ty TNHH TOSHIKO Việt Nam? Căn cứ nào để Công ty TNHH TOSHIKO Việt Nam quảng cáo sản phẩm ghế massage TOSHIKO có khả năng trị liệu, thậm chí có thể điều trị các bệnh về xương khớp, tim mạch, ngăn ngừa mất trí nhớ? Đây có phải hành vi lừa dối người tiêu dùng thông qua việc quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm hàng hoá?
Liên quan tới vấn đề trên, theo ý kiến của chuyên gia, ghế massage hiện là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất và có giá trị gia tăng cao nhất trong các thiết bị massage. Trong những ngày đầu, với lợi thế tiếp cận sớm các nền tảng thương mại điện tử và kinh nghiệm làm tiếp thị, một số công ty sản xuất và OEM ghế massage giá rẻ đã nhanh chóng tiến vào thị trường, thu hút người tiêu dùng với chiến lược giá thấp.
Trước đây, những chiếc ghế massage được xem là thiết bị gia dụng cao cấp, có giá lên tới cả trăm triệu đồng thì giờ đây, khách hàng có thể dễ dàng sở hữu chỉ với 40-50 triệu đồng, thậm chí đặt mua từ Trung Quốc về với giá chỉ 15-20 triệu đồng kể cả phí vận chuyển.
Tuy nhiên, do thiếu tích lũy kỹ thuật, các nhà sản xuất nhỏ nói trên có xu hướng đẩy sản phẩm của mình lên tầm cao hơn bằng cách cải thiện hình thức bên ngoài và đa dạng tính năng phụ trợ, thay vì chú trọng vào chất lượng và độ an toàn. Kinh nghiệm non kém, dịch vụ hậu mãi khó được đảm bảo khiến thị trường ghế massage đang dần trở nên hỗn tạp.
Bên cạnh các thương hiệu ghế massage truyền thống thì ngày càng có nhiều thương hiệu, sản phẩm ghế massage mới từ trung cấp đến cao cấp, thậm chí cả thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng cũng lấn sân sang lĩnh vực ghế massage. Người tiêu dùng như bị đưa vào ma trận.
Trước tình trạng này, người dùng không nên vội vàng tin vào những quảng cáo không có cơ sở, vượt ngoài tầm công dụng của sản phẩm. Đồng thời, trước khi chọn mua cần quan tâm tới chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, không mua các sản phẩm không thể chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Chiểu theo quy định pháp luật, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo cũng nghiêm cấm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.