Việc kinh doanh, tập kết các bãi vật liệu xây dựng thuộc đất nông nghiệp cũng đang là vấn đề ảnh hưởng tới sản xuất kinh tế nông thôn của địa phương.
Thực hiện công tác tuyên truyền Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Tạp chí Kinh tế nông thôn nêu thực trạng hàng loạt công trình có dấu hiệu vi phạm trên đất nông nghiệp tại thôn Phú Mỹ thuộc xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội), góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn…
Ngang nhiên sai phạm trên đất nông nghiệp
Theo người dân phản ánh, tại thôn Phú Mỹ xuất hiện, tồn tại nhiều công trình là nhà hàng, nhà ở, kho xưởng… ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng lại không được chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý sai phạm. Các công trình, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy khi chứa nhiều đồ sản xuất, kinh doanh… tiềm ẩn chảy nổ có thể xảy ra, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Nhà hàng Vườn Bưởi rộng hàng trăm mét vuông với nhiều hạng mục công trình kiên cố trên đất nông nghiệp, tồn tại từ lâu nhưng không được xử lý sai phạm.
Cụ thể, nằm ngay gần ngã tư giao nhau hướng đi đường 419 và Đại lộ Thăng Long xuất hiện Nhà hàng Vườn Bưởi được xây dựng trên đất nông nghiệp từ nhiều năm nay. Nhà hàng có diện tích lên tới hàng trăm mét vuông với nhiều hạng mục công trình kiên cố phục vụ mục đích kinh doanh ăn uống, tiềm ẩn về PCCC và an ninh trật tự ở địa phương.
Con đường dẫn vào nhà Hàng Vườn Bưởi kinh doanh loại hình ăn uống, tiềm ẩn mất an toàn PCCC, an ninh trật tự tại địa phương.
Cũng dọc theo tuyến đường, cách không xa là khu nhà xưởng, nhà tôn kiên cố dùng để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) nằm trên đất nông nghiệp, hoạt động mang dấu hiệu không phép. Khu bãi chứa một khối lượng lớn VLXD, xe vận chuyển đủ các loại khiến nơi đây nhếch nhác, bụi bặm, ô nhiễm môi trường…
Khu nhà xưởng dùng làm nơi tập kết VLXD nằm trên đất nông nghiệp, hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự, tại khu vực này, vị trí đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi lại diễn ra thực trạng, các hộ gia đình xây dựng nhà ở, nhà xưởng sản xuất, nhà kho kiên cố… thậm chí, nhiều gia đình còn không hoạt động sản xuất cây trồng, vật nuôi đúng với mục đích sử dụng đất ban đầu. Trong đó, phải kể đến nhà xưởng sản xuất liên quan tới gỗ rộng hàng trăm mét vuông với nhiều máy móc gây bụi, tiếng ồn, không đảm bảo về PCCC.
Nhà xưởng sản xuất gỗ rộng hàng trăm mét vuông với nhiều máy móc gây bụi, tiếng ồn, không đảm bảo về PCCC nằm trên đất trang trại nông nghiệp.
Không chỉ vậy, ngay bên cạnh khu di tích lịch sử, văn hóa Quán Sanh của làng Phú Mỹ ngang nhiên tồn tại bãi tập kết VLXD nằm trên đất nông nghiệp trải dài đến hàng mét, diện tích hàng trăm mét vuông. Bãi tập kết VLXD có vị trí nằm ngay sát với đường đi, bụi bặm gây ô nhiễm môi trường, làm mất an toàn giao thông nông thôn.
Vi phạm nhưng chưa xử lý được
Để rộng đường dư luận, ngày 18/10, P.V có buổi làm việc với ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết, những công trình này đều là các công trình đã tồn tại từ lâu rồi, chứ không phải có ở gần đây. Ví dụ như khu vực vườn bưởi đã có từ năm 96, 97 rồi, trước đây họ làm bờ rô xin măng xong hỏng thì thay thế vật liệu khác.
Việc họ bán hàng, kinh doanh Nhà hàng Vườn Bưởi thì cũng chỉ bán dăm bảy năm nay, đây là đất nông nghiệp. Trước đây, họ trồng bưởi, làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn gà; năm 2019, xã cũng đã có kế hoạch yêu cầu xử lý nhưng chưa xử lý được.
Ở vị trí đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi xuất hiện, tồn tại nhiều nhà xưởng sản xuất, nhà kho không đảm bảo về an toàn cháy nổ.
Mấy cái xưởng sản xuất thủ công nghiệp (khu đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ), xã cũng đang tập chung làm cái khu vực thủ công nghiệp, cách dưới đấy khoảng 1 đoạn và cũng đang xin ý kiến Thành phố với huyện cho các hộ sản xuất ở đấy. Thực ra đất họ đang sản xuất đấy thì vẫn là đất nông nghiệp, việc họ đang sử dụng như thế là chưa đúng; anh cũng đang định xin ý kiến huyện, chờ để chuyển, có vị trí mới cho ra đấy thì sẽ trả lại mặt bằng ban đầu.
Những nhà xưởng này thì huyện đều biết hết, đều nằm trong kế hoạch của huyện để xử lý rồi. Về việc phòng cháy chữa cháy đối với các công trình này thì xã cũng đang có kế hoạch kiểm tra rồi, nếu không đạt thì cũng cho dừng thôi.
Cũng tại khu vực này, nhiều công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp được dựng lên, ngang nhiên tồn tại, ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế nông nghiệp.
Bãi tập kết VLXD ở gần di tích Quán Sanh, bãi đấy là đất nông nghiệp của hộ gia đình, người ta sử dụng vào việc tập kết VLXD. Tới đây là đang tập trung mở đường đấy thì xử lý họ không cho tập kết.
Đối với các văn bản có liên quan tới những nội dung trên, cán bộ địa chính xã sẽ trao đổi thông tin cụ thể với em (PV). Trao đổi thông tin với ông Bùi Văn Biên, cán bộ địa chính, xây dựng cho hay, khu vườn bưởi ngày xưa là khu hố lò gạch xong cho cái ông ở Phú Mỹ đây ngày xưa giao thầu đấy, ông ấy cải tạo, xây dựng cái nhà; vừa rồi ông ấy chuyển nhượng cho người khác, xong người này về cải tạo nhưng chỗ này là nằm trong quy hoạch chợ rồi.
Khu đất nhà xưởng tập kết VLXD nhà ông Hưng, ngày xưa đất đấy nằm trong vùng chuyển đổi cơ cấu trang trại nông nghiệp, sau khi được phê duyệt thì làm một cái nhà chăn nuôi nhưng dính mấy năm Covid-19 không nuôi được và chuyển sang chứa VLXD. Bãi VLXD ở gần di tích Quán Sanh (đường Quán Thanh), họ thuê đất của các hộ không sản xuất nông nghiệp và chứa VLXD ở đấy là của Hồng Tâm.
“Khu vực nhà xưởng sản xuất gỗ của nhà ông Hiển là đất trang trại nông nghiệp cũng có từ lâu rồi, đang đợi quy hoạch khu làng nghề thì chuyển hết ra đấy. Về nội dung văn bản có liên quan anh sẽ gửi em sau…”, ông Biên nói.
Bãi VLXD ở di tích Quán Sanh tập kết trên đất nông nghiệp, nằm trải dài theo đường đi gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Từ đây, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương khi để xảy ra nhiều sai phạm trên đất nông nghiệp mà không được xử lý dứt điểm, tồn tại kéo dài ảnh hưởng tới tài nguyên đất phục vụ mục đích phát triển nông nghiệp, sản xuất cây trồng, vật nuôi…
Trước những nội dung trên, kính đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai, các ban ngành có liên quan cần xem xét, nhanh chóng có biện pháp kiểm tra, xử lý những sai phạm để đảm bảo công tác quản lý của địa phương. Đồng thời, góp phần đưa Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.