Sáng 9/1: Hơn 6.350 F0 nặng đang điều trị; nhiều người bị di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần sau mắc COVID-19

09/01/2022 09:03

Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 1,49 triệu ca COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh; trong số các trường hợp đang điều trị có hơn 6.350 ca nặng; TP HCM đã ghi nhận nhiều người bị di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần; Các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3 cho người dân.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.876.394 ca mắc COVID-19 đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.019 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.870.417 ca, trong đó có 1.485.221 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (507.338), Bình Dương (291.329), Đồng Nai (98.650), Tây Ninh (81.722), Hà Nội (64.965).

Cà nước có hơn 6.350 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị

Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.488.038 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.352 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.581 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 857 ca; Thở máy không xâm lấn: 134 ca; Thở máy xâm lấn: 760 ca; ECMO: 20 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 215 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.117 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.919.421 mẫu tương đương 75.593.528 lượt người, tăng 79.538 mẫu so với ngày trước đó.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 159.152.206 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.206.607 liều, tiêm mũi 2 là 70.770.669 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 10.174.930 liều.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 9/1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 305.742.064 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.501.727 ca tử vong. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 1.929.317 và 5.666 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 258.846.260 người, 41.394.077 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 93.884 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca mắc mới với 363.638 ca; Pháp đứng thứ hai với 303.669 ca; tiếp theo là Italy (197.552 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 796 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Mỹ (601 ca) và Anh (313 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca mắc tại Mỹ đến nay là 60.849.585 người, trong đó có 858.978 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 35.516.186 ca mắc, bao gồm 483.463 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.499.525 ca bệnh và 619.937 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 95,4 triệu ca mắc, tiếp đến là châu Á với 86,46 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận trên 71,7 triệu ca, Nam Mỹ là trên 40,93 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,17 triệu ca và châu Đại Dương trên 1 triệu ca.

Chủ động cung ứng đủ oxy cho y tế trong dịp Tết Nguyên đán

Lo ngại tình trạng thiếu oxy có thể tái diễn trong dịp Tết Nguyên đán, ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thuơng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Hóa chất chịu tránh nhiệm chính trước Bộ Công Thương trong việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về lĩnh vực sản xuất, cung ứng oxy cho y tế và tiếp tục tham mưu để lãnh đạo Bộ, Chính phủ, các bộ ngành chức năng có chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất oxy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày (miền Bắc: 570 tấn/ngày; miền Trung: 98 tấn/ngày; miền Nam: 685 tấn/ngày). Tại khu vực phía nam, tổng lượng ôxy cung cấp đến các cơ sở y tế trong các ngày cao điểm là từ 380-400 tấn.

Ông Thanh nêu rõ: Trong điều kiện không bùng phát dịch bệnh, lượng ôxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế sẽ tăng cường, chủ động cung cấp số liệu nhu cầu oxy theo vùng miền, cũng như các tiêu chuẩn ôxy y tế theo quy định để các nhà sản xuất, đơn vị quản lý nắm bắt tình hình.

TP HCM: Ghi nhận nhiều người bị di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần hậu COVID-19

Các bệnh viện ở TP HCM ghi nhận người đã khỏi COVID-19 phải đi khám các chuyên khoa sâu, họ phải đối mặt mới sự mệt mỏi, di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần hậu COVID-19.

Thông tin này được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế nêu trong tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của TP HCM ngày 8/1.

Theo đó, trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 29/12/2021, TP.HCM có 501.990 người mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đến nay, Thành phố vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Với trẻ em, các bệnh viện TP HCM đã ghi nhận nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C có thể gây trụy tim mạch và tác động lên nhiều cơ quan. Nhiều người lớn bị lo âu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, khó thở sau khi khỏi COVID-19.

Trước tình hình trên,TP HCM sẽ tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần thành phố phụ trách. Đồng thời, khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường, chủ động phát hiện các vấn đề sức khỏe hậu COVID-19; tăng cường phối hợp đông tây y, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân…

Những vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 cũng được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Ngành y tế thành phố xem đây là vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm và là một hoạt động trọng tâm trong năm 2022.

Trà Vinh: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người trên 50 tuổi

Trà Vinh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trước tình trạng dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp.

Mặc dù trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron, tuy nhiên để đảm bảo miễn dịch đối với những người trên 50 tuổi và người có bệnh nền trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, trước mắt bắt đầu từ nay đến ngày 15/1 ngành y tế Trà Vinh tiến hành chiến dịch tiêm mũi 3 (liều bổ sung, nhắc lại) cho tất cả người dân trên 50 tuổi và những người có bệnh nền, để đảm bảo trước tết Nhâm Dần phủ được mũi cho những người nguy cơ cao

Tính đến ngày 7/1, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Trà Vinh đã tiêm mũi 1 đạt hơn 99%, mũi 2 đạt gần 96%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ 2 liều đạt 98%. Hiện tỉnh Trà Vinh có hơn 263.000 người thuộc đối tượng có nguy cơ cao cần ưu tiên tiêm mũi 3 vaccine phòng chống COVID-19.

Đến chiều ngày ngày 8/1, Trà Vinh ghi nhận 31.898 ca mắc COVID-19; trong đó, 20.428 bệnh nhân khỏi bệnh.

Bắc Giang đẩy mạnh tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho công nhân trước Tết

Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang ngày 8/1, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang thông tin trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận trên 140 ca COVID-19. Tổng số ca mắc từ ngày 26/10 đến nay là hơn 3.000 ca.

Dự báo thời gian tới, tỉnh sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ không rõ ràng, liên quan đến các chùm ca bệnh cũ, rải rác trong cơ sở sản xuất, nhà máy, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định khả năng công nhân từ khu công nghiệp về quê ăn Tết sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Do vậy, Bắc Giang đề nghị ngành các khu công nghiệp đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 (liều bổ sung, liều tăng cường) cho người đủ điều kiện.

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân Ảnh: Cao Thắng

Tại hội nghị, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương lưu ý các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. Địa bàn tập trung nhiều lao động, giáp ranh với Bắc Ninh, Hà Nội… phải tiêm phủ mũi 3. Để đảo đảm vận chuyển nông sản lưu thông dịp gần Tết, hai huyện Lục Ngạn, Lạng Giang ưu tiên tiêm phòng cho các lái xe.

Bạn đang đọc bài viết "Sáng 9/1: Hơn 6.350 F0 nặng đang điều trị; nhiều người bị di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần sau mắc COVID-19" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).