5 năm tái cơ cấu chưa đủ, trình Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2030
Tháng 9/2013, Thống đốc NHNN chấp thuận việc hợp nhất WesternBank và PVFC thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), đồng thời thu hồi giấy phép hoạt động trước đó của 2 tổ chức trên.
Như vậy, tính đến nay, PVcomBank đã có gần 8 năm hoạt động. Trong ba năm đầu tái cơ cấu, PVcomBank đã thu hồi nợ xấu và tái cấu trúc 3.000 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là thu hồi nợ nhóm liên quan đến Western Bank trước đây là 1.238 tỷ đồng, Vinashin là 224 tỷ đồng, Vinalines 1.208 tỷ đồng, nhóm PVC 142 tỷ đồng…
Năm 2016 đánh dấu bước chuyển mới của PVcomBank khi Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 chính thức được Chính phủ và NHNN phê duyệt.
Tuy nhiên, năm 2020 PVcomBank đã trình Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2030 và đã được NHNN thông qua để trình Chính phủ. Tại thời điểm lập báo cáo, đang lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Phương án cơ cấu lại này.
Theo đó, PVcomBank đề xuất được giãn thời gian thực hiện phương án cơ cấu lại ngân hàng đến năm 2030. Đồng thời kéo dài thời gian thực hiện các kiến nghị chưa được khắc phục tại các kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước với lộ trình từ năm 2020 đến 2030.
Ngân hàng cũng đề xuất được giữ nguyên nhóm nợ tại ngày 31/12/2019 đối với các khách hàng nằm trong phương án cơ cấu lại theo Đề án cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020. Hiện PVComBank đang phải giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay SBIC (trước đây là Vinashin), một số thành viên của SBIC đã chuyển sang PVN và Vinalines đồng thời trích lập dự phòng và tiến hành thoái lãi phải thu theo lộ trình kéo dài đến năm 2030.
Ngoài ra, ngân hàng xin gia hạn thời gian trái phiếu đặc biệt VAMC đã phát hành năm 2018 từ 5 năm thành 10 năm. Và xin giãn thời gian thực hiện tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn theo thông tư 41 năm 2016 đến năm 2019.
Đồng thời, PVcomBank muốn duy trì lợi nhuận để lại mỗi năm ở mức độ phù hợp; giãn thời gian niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch trong giai đoạn thực hiện phương án cơ cấu lại.
Thu hồi/xử lý nợ đạt 63,6% kế hoạch, năm 2020 có thể lỗ gần 500 tỷ
Vậy, trong 5 năm qua, PVcomBank đã làm được những gì theo Đề án tái cơ cấu 2016-2020?
Theo PVcomBank, lũy kế đến 31/12/2020 tính theo giá trị thu hồi/xử lý nợ, Ngân hàng đã đạt 63,6% kế hoạch đặt ra.
Tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng 27% so với đầu năm, ghi nhận gần 2,627 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 45%, nợ có khả năng mất vốn tăng 26%. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng mạnh từ 2.63% lên 3.12%.
Tuy nhiên, đó là những con số chưa bao gồm những khách hàng theo Đề án tái cơ cấu.
Thực tế, tại ngày 31/12/2020, tổng số dư nợ gốc của Vinashin là hơn 417 tỷ, Vinalines là 880 tỷ, các bên liên quan của WTB là 1.202 tỷ và một số khách hàng trước đây chưa được xác định kỳ hạn trả nợ hợp lý là 4.554 tỷ đồng.
PVcomBank cũng giữ nguyên nhóm nợ chốt đến cuối năm 2020 đối với các khách hàng theo Phương án cơ cấu lại thì tổng số dư nợ gốc hiện là 2.090 tỷ đồng, ngoại trừ số dư nợ gốc các khách hàng thuộc Đề án cơ cấu giai đoạn 2016-2020.
PVcomBank cũng chưa thực hiện chuyển một số khách hàng sang nhóm nợ có rủi ro theo quy định. Theo đó, số dự phòng chưa được trích lập và lãi cho vay chưa được thoái thu tại ngày 31/12/2020 tương ứng lần lượt là 821 tỷ và 1.215 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại ngày 31/12/2020, tổng giá trị chứng khoán sẵn sàng để bán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành của PVcomBank lên tới 15.191 tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của PVcomBank, đơn vị kiểm toán đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ về phân loại nợ, trích lập dự phòng, các khoản phải thu, tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ…
Theo đó, nếu hạch toán đúng theo các ý kiến của kiểm toán, PVcomBank sẽ lỗ gần 493.6 tỷ đồng trong năm 2020 thay vì con số lãi trước thuế gần 76 tỷ đồng trên báo cáo.