Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý 4/2020 của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), số lượng nhân viên đang làm việc tính đến cuối năm là 1.659 người, giảm 613 người so với đầu năm. Thống kê trước đó tính đến cuối tháng 9/2020, con số lao động giảm gần 500 nhân sự. Như vậy, quý 4 Coteccons tiếp tục đối mặt với sự sụt giảm mạnh đội ngũ lao động với mức hơn 100 người.
Tại Công ty mẹ, số lượng nhân sự cũng giảm đến 26% từ con số 1.447 người (ngày 31/12/2019) xuống còn 983 người, tương đương giảm hơn 32% nhân sự.
Thực tế, việc giảm nhân sự hàng trăm người vẫn diễn ra hàng năm tại Coteccons trên báo cáo hợp nhất, tương ứng chi phí lương của Công ty mỗi năm đều biến động tương đối lớn.
Điều đáng nói, năm 2020 đánh dấu là năm số lượng nhân sự Coteccons giảm mạnh nhất từ trước đến nay, sau khi ông Dương rút lui. Và, cần lưu ý Kusto thời gian gần đây liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng nhân sự quan trọng như giám đốc dự án, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, chuyên viên pháp chế…
Ghi nhận, Coteccons trước đây dưới thời ông Dương được đánh giá là doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt, định hướng rõ ràng và đảm bảo giữ chân được nhân viên. Coteccons 6 năm liên tiếp còn được bình chọn là công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam và đứng thứ nhất ngành xây dựng do Anphabe bình chọn.
Trong những chia sẻ trước đó, nhân sự theo quan điểm của ban lãnh đạo cũ được xem là tài sản quý giá nhất của Coteccons. Như vậy, dưới trướng Kusto, sự giảm sút mạnh của nhân sự đặt câu hỏi lớn về sự đồng thuận giữa cấp dưới với nhóm lãnh đạo Kusto, cũng như tính công bằng về chế độ, chiến lược điều hành và đặc biệt là văn hoá, môi trường làm việc mới thực chất như thế nào?
Chưa kể, sự đồng loạt ra đi của ban lãnh đạo mà đứng đầu là ông Nguyễn Bá Dương, đặc biệt tâm thư của cựu Thành Viên HĐQT - ông Nguyễn Quốc Hiệp - khi từ chức cáo buột thẳng thắn hành động "không có trước có sau" của Kusto khiến phần lớn nhân sự đang dần rút về các đơn vị còn lại của ‘Coteccons Group’ cũ, theo quan sát.
Trong đó, bày tỏ quan điểm của mình, ông Hiệp cho biết dù ĐHĐCĐ thường niên 2020 hai bên đã có những thoả thuận mới, tuy nhiên 3 tháng sau đó "cách làm của Kusto sau khi nắm được quyền điều hành thực sự đã đẩy ông Dương phải từ nhiệm sau khi bị vô hiệu hoá", dù ông Dương kiên trì nhẫn nhịn.
Qua trường hợp tại Coteccons, ông Hiệp cũng gửi lời cảnh báo đến các thương hiệu Việt cân nhắc việc phát hành tăng vốn.
Trở lại với ban lãnh đạo mới, Coteccons đang đối mặt với áp lực chảy máu chất xám dù phía Chủ tịch Bolat Duisenov liên tục đăng tải tâm thư cho CBCNV.
Thậm chí, mới đây nguồn tin của VNExpress còn cho hay, Coteccons sẽ mạnh tay chia thưởng năm 2021 với mức tối thiểu cho tất cả cán bộ nhân viên là 10 tháng lương. Các đợt thưởng sẽ được dàn trải vào những dịp đặc biệt, lễ Tết, thưởng đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thành tiến độ dự án… để đảm bảo tổng thu nhập cả năm khoảng 20-22 tháng lương.
Dù vậy, cần nhấn mạnh, lương có thể thu hút và giữ chân được nhân viên, tuy nhiên chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Quan trọng vẫn là sự đồng điệu về quan điểm, định hướng giữa nhân viên và ban lãnh đạo nói riêng cũng như toàn công ty nói chung.
Về phía doanh nghiệp, cơ cấu chi lương thưởng về lâu dài cũng phải tuỳ thuộc vào hiệu quả kinh doanh, cũng như theo đúng năng suất mới có thể đảm bảo được sự cân bằng ngân sách, phát triển bền vững trong tương lai.
Điểm qua Coteccons dưới trướng chủ mới, năm 2020, lợi nhuận Coteccons đi đúng với kế hoạch hoạch định sẵn từ nhóm ông Dương với gần 600 tỷ LNTT. Riêng quý 4/2020, Coteccons đạt lãi ròng 94 tỷ đồng, lần đầu thấp hơn Ricons với 104 tỷ đồng.
Lên kế hoạch cho năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu (tương đương 23.052 tỷ đồng) và 5% lợi nhuận gộp. Giữa bối cảnh toàn ngành xây dựng giảm sút, con số trên có thể xem là đầy thách thức cho Coteccons, chưa kể những gói thầu gần đây cũng doanh nghiệp không quá nhiều và lớn.
Nói về chỉ tiêu này, phía Kusto nhận định ngành xây dựng năm 2021 được dự báo với nhiều cơ hội và thách thức. Từ đầu năm 2021, Coteccons theo ban lãnh đạo mới đã ký kết nhiều hợp đồng mới, trở thành đối tác chiến lược cùng MBBank. Ngoài ra, Công ty cũng đang tái cơ cấu, trong đó không chỉ thuần là công ty xây dựng, Coteccons hướng đến mở rộng hoạt động sang EPC mảng tái tạo, tham gia triển khai giải pháp tài chính cho khách hàng như Finance - Design & Built, Finance & Built cũng như nhảy vào xây dựng ngành năng lượng tái tạo và điện gió. Những mảng mới theo ban lãnh đạo sẽ mang về doanh thu tốt cho tương lai.
Về đội ngũ lãnh đạo mới, HĐQT Coteccons hiện nay toàn bộ là người nước ngoài, trong đó Bolat Duisenov giữ ghế Chủ tịch. Ban điều hành ngoài ông Võ Thanh Liêm là 2 nhân sự mới vừa được bổ nhiệm bao gồm người cũ từ Xây dựng Hoà Bình (HBC). Ghi nhận trên website Công ty, cấp quản lý những bộ phận nòng cốt liên quan đến thu chi như nhân sự, kế toán tài chính và MEP cũng đã được thay đổi mới.