Hình minh họa (nguồn internet) |
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, VN-Index có được mức tăng nhẹ 21,42 điểm (1,64%) so với tháng trước và lên mức 1.331,47 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 27,96 điểm (8,88%) lên 342,81 điểm. UpCOM-Index tăng 6,84 điểm (7,87%) lên 93,77 điểm.
Thanh khoản thị trường trong tháng 8 tăng mạnh so với tháng 7. Tổng khối lượng giao dịch trung bình đạt 965 triệu cổ phiếu/phiên - tăng 19,6% so với tháng 7, tương ứng giá trị giao dịch trung bình đạt 28.807 tỷ đồng - tăng 18% trong đó giá trị khớp lệnh trung bình đạt 26.914 tỷ đồng/phiên - tăng 10,7%.
Trong tháng 8/2021, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 66.944 tỷ đồng, chiếm 6,61% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị gần 6.318 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 36.769 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Diễn biến thị trường chứng khoán tháng 8 là sự phân hóa, giằng co ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thống kê 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, trong tháng 8/2021, có 28 mã tăng và 22 mã giảm trong đó việc nhiều mã lớn nhóm ngân hàng giảm giá đã gây ra áp lực giảm điểm cho VN-Index và các chỉ số.
Cả 5 vị trí đứng đầu về mức giảm giá trong top 50 vốn hóa đều thuộc nhóm ngân hàng trong đó VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) giảm mạnh nhất với 12,9%; ACB của Ngân hàng Á Châu (HOSE: ACB) cũng giảm 11,5% sau 1 tháng giao dịch; LPB của LienViet Post Bank (HOSE: LPB) với mức giảm 9,5%; STB của Sacombank (HOSE: STB) và CTG của VietinBank (HOSE: CTG) giảm lần lượt 8,5% và 7,6%.
SAB của Sabeco (HOSE: SAB) tiếp tục có một tháng biến động tiêu cực khi giảm 5,7% (tháng 7 giảm 6%).
Biến động giá của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị tường chứng khoán trong tháng 8 (nguồn ndh.vn) |
Ở hướng ngược lại, những cái tên thuộc sàn UpCOM đều có mức tăng rất "sốc" trong đó, "tân binh" SSH của Phát triển Sunshine Homes (UpCOM: SSH) tăng mạnh nhất nhóm này với 363% từ mức giá chào sàn chỉ 21.600 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này đã leo lên 100.089 đồng/cổ phiếu (31/8).
6 tháng đầu năm, Sunshine Homes ghi nhận doanh thu gần 990 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7 tỷ). Trong đó biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 25,1% lên 36%.
Năm 2021, Sunshine Homes đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 2.000 tỷ và 300 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2022 tiếp tục mở rộng doanh thu và lãi ròng lên 3.000 tỷ và 450 tỷ đồng,ư đồng thời dự kiến chi trả cổ tức 10%.
Tương tự, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines (UpCOM: MVN) cũng tăng 163% trong tháng 8.
Giá cổ phiếu MVN đi lên cùng "sóng" với nhóm vận tải biển. Đây là nhóm ngành được cho là hưởng lợi từ giá cước vận tải container cũng như việc tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sôi động bất chấp dịch bệnh COVID-19.
SSI của Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) trong tháng 8 tăng 13,2%. Trước biến động sối động của thị trường, nhóm ngành chứng khoán vẫn được cho là hưởng lợi nhiều nhất.
Ngoài ra động lực tăng của SSI còn đến từ việc doanh nghiệp này công bố sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2021 vào ngày 9/9.
Theo đó, phương án thưởng cổ phiếu thực hiện theo tỷ lệ 6:2 (cổ đông sở hữu 6 cổ phiếu được nhận 2 cổ phiếu mới). Tổng khối lượng dự kiến phát hành tối đa là hơn 219 triệu cổ phiếu. Phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu được thực hiện theo tỷ lệ 6:1 (cổ đông sở hữu 6 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới). Khối lượng phát hành tối đa là gần 109,6 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm 2021. Giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị vốn huy động gần 1.096 tỷ đồng.
Trong khi đó, các mã trụ cột sàn HOSE như VCB của Vietcombank (HOSE: VCB), VIC của Vingroup (HOSE: VIC), VHM của Vinhomes (HOSE: VHM)... đều có biến động không quá mạnh.