Trong quý III/2022, Sudico ghi nhận doanh thu đạt 130,6 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2,84 tỷ đồng, giảm 85,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 26,5% về còn 19,5%.
Trong kỳ, do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 48,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 23,6 tỷ đồng về 25,43 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 57,1%, tương ứng giảm 1,4 tỷ đồng về 1,05 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 60,2%, tương ứng giảm 13,29 tỷ đồng về 8,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù Công ty đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 85,6%, nguyên nhân chính là hụt doanh thu và biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Sudico cho biết nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh trong quý III do trong kỳ, Công ty cổ phần Sudico Hòa Bình (Công ty con của Sudico) không phát sinh doanh thu từ dự án mở rộng Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sudico ghi nhận doanh thu đạt 368,03 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 22,85 tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Sudico đặt kế doanh thu 1.181 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 264 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 48,14 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 18,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục trong 9 tháng đầu năm 2022
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Sudico ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 582,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 188,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 47,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 354,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.
Được biết kể từ năm 2006 (thời điểm niêm yết cổ phiếu SJS) tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính âm vượt số 582,4 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2021 với giá trị 398,07 tỷ đồng. Như vậy, Công ty tiếp tục mô hình kinh doanh thâm hụt vốn và ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Sudico giảm 2,3% so với đầu năm về 6.784,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 3.664,1 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 2.288,5 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tồn kho chủ yếu 3.597,4 tỷ đồng Dự án Khu đô thị Nam An Khánh; Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn chủ yếu 1.230,8 tỷ đồng dự án Hòa Hải – Đà Nẵng, 538,9 tỷ đồng dự án Văn La –Văn Khê, 177,2 tỷ đồng dự án Khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì, 156,3 tỷ đồng dự án Tiến Xuân, 109 tỷ đồng dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng …
Theo giới thiệu trên website của Công ty, dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh có quy mô 288,8 ha, nằm tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội với giá trị 2.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 29,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 358 tỷ đồng lên 1.562 tỷ đồng và chiếm 23% tổng nguồn vốn.
Trong kỳ, phải trả ngắn hạn khác giảm 48,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 740,6 tỷ đồng về 799,3 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thuyết minh phải trả ngắn hạn giảm chủ yếu không ghi nhận so với cùng kỳ 350 tỷ đồng phải trả hợp tác kinh doanh; không ghi nhận so với cùng kỳ 100 tỷ đồng phải trả bà Trịnh Thị Hà; không ghi nhận so với cùng kỳ 70,6 tỷ đồng phải trả ông Nguyễn Cảnh Hùng …
Sudico đổi chủ, đổi lãnh đạo
Ngày 19/4/2022, Tổng công ty Sông Đà - CTCP (mã SJG – sàn UPCoM) đã bán ra toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS để giảm sở hữu từ 36,65% về còn 0% vốn điều lệ và chính thức không sở hữu tại công ty. Ngược lại, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát lại mua vào 41,7 triệu cổ phiếu SJS để nâng sở hữu từ 0% lên 36,65% vốn điều lệ.
Được biết, CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát là một doanh nghiệp thành lập năm 2016 có trụ sở tại tầng 3, Tòa nhà Lotus, số 2 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy (sinh năm 1977) hiện đang là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng - doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư của dự án "Khu đô thị Sông Hồng" tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Nhiều tài sản liên quan đến dự án này được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Việt Á - ngân hàng hiện cũng là chủ nợ chính của Sudico.
Sau đó, ngày 16/5, Công ty nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Văn Tùng và ông Trần Anh Đức. Bên cạnh đó, Công ty cũng nhận được đơn từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát của ông Nguyễn Minh Sơn và ông Bùi Đình Đông.
Được biết, ông Nguyễn Văn Tùng sinh năm 1962, trình độ Kỹ sư Xây dựng Ngầm và Mỏ, Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh; ông Trần Anh Đức sinh năm 1975, trình độ Kỹ sư Xây dựng, Cử nhân Ngoại ngữ, Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh; ông Nguyễn Minh Sơn sinh năm 1975, trình độ Cử nhân kinh tế - Chuyên ngành Kế toán, Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh; và ông Bùi Đình Đông, sinh năm 1962, trình độ Cử nhân Kinh tế.
Lý do đưa ra của các lãnh đạo là Tổng công ty Sông Đà đã thoái hết phần vốn của mình tại Sudico, vì vậy Tổng công ty Sông Đà có công văn về việc thôi đề cử 4 cá nhân nói trên.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu SJS giảm 400 đồng về 63.500 đồng/cổ phiếu.