Lại nóng lãi suất
Sau thời gian ngắn ổn định và có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng lại có những bước tăng đáng chú ý trong tuần vừa qua. Theo đó, mốc 10%/năm không chỉ đã quay trở lại mà còn đang ngày càng trở nên phổ biến, khi các ngân hàng tiếp tục cạnh tranh quyết liệt ở mặt trận huy động vốn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.
Cụ thể, lãi suất huy động tại SaigonBank từ ngày 25-11 đã leo lên mức 10% đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, đặc biệt kỳ hạn 13 tháng đã lên mức cao nhất ở 10,5%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng, vốn không vướng phải quy định mức trần lãi suất, ngân hàng này cũng niêm yết ở mức khá cao so với thị trường chung là từ 9,6-9,8%. So với mức lãi suất cũ, ngân hàng này đã tăng thêm 1,4-1,9%/năm, vào nhóm những ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường.
ABBank cũng đang áp dụng lãi suất lên tới 10,5%/năm cho các khoản tiền lớn gửi kỳ hạn 15 tháng, còn các khách hàng gửi tiền tại GPBank cũng có cơ hội nhận được mức lãi suất cao nhất lên đến 10%/năm. Cụ thể, với mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 8,95%/năm theo kỳ hạn 13 tháng cho số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên; khách hàng khi tham gia gửi tiền tại quầy và đáp ứng đủ một số điều kiện về số dư tối thiểu cũng như là khách hàng hạng vàng của GPBank, còn có thể được cộng lãi suất lên đến 1,05%.
10% cũng là mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng mà OceanBank áp dụng cho chương trình “Ngày Vàng gửi tiền, rinh liền lãi Đỉnh” diễn ra từ ngày 18 đến 29-11, trong khi kỳ hạn 6 tháng cũng ở mức 9%/năm.
Hiện không ít ngân hàng cũng đã niêm yết lãi suất trên 9%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng như SCB, GPBank, Kienlongbank, BaoVietBank, PGBank, OCB,…
Đáng lưu ý là bên cạnh việc tăng lãi suất, những hình thức khuyến mãi đầy hấp dẫn khác cũng đã được tung ra để cạnh tranh huy động vốn. Như tại Sacombank, chào mừng ngày thành lập ngân hàng, khách hàng cá nhân gửi tiền từ 300 triệu đồng và doanh nghiệp gửi từ 500 triệu đồng từ nay đến hết ngày 31-12-2022 sẽ được tặng ngay tiền thưởng tương đương nửa tháng tiền lãi với kỳ hạn từ 6 tháng và 1 tháng tiền lãi với kỳ hạn từ 12 tháng.
Một số ý kiến cho rằng cách hút khách gửi tiền của Sacombank như trên là “độc, lạ” nhất trên thị trường ở thời điểm này, khi hầu hết các ngân hàng chỉ áp dụng tặng quà khuyến mãi hoặc cộng thêm lãi suất khi khách gửi tiền nhiều, hoặc khách VIP.
Nhiều áp lực
Trong bối cảnh thanh khoản của toàn nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng đang có dấu hiệu bị tắc nghẽn, lãi suất luôn đứng trước xu hướng nhấp nhổm tăng dường như là điều tất yếu.
Trong hai tháng qua, các ngân hàng cũng có chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động gửi tiền và cho vay trên thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất vay mượn trên thị trường 2 đã tăng vọt và liên tục neo ở mức cao.
Cụ thể, dù đã giảm đáng kể so với tháng 10, nhưng lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn thường xuyên neo ở mức 4-5%/năm, trong khi kỳ hạn 1-3 tháng xoay quanh 8%, còn kỳ hạn 6 tháng là hơn 9%. Với mức lãi suất cao như vậy, như kỳ hạn 1-3 tháng trên thị trường liên ngân hàng đang cao hơn 2 điểm phần trăm so với lãi suất huy động từ thị trường 1 với tổ chức kinh tế và dân cư, nhưng không còn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi các ngân hàng lớn dồi dào thanh khoản đang hạn chế cho vay, các ngân hàng còn lại buộc phải tăng cường huy động vốn trên thị trường 1 bằng cách tăng lãi suất là điều tất yếu.
Một yếu tố ảnh hưởng quan trọng khác là một số ngân hàng đang phải chuẩn bị vốn để thanh toán cho các khoản trái phiếu đến hạn hoặc thậm chí mua lại trái phiếu trước hạn.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang gặp khá nhiều vấn đề và bị kiểm soát chặt chẽ, niềm tin nhà đầu tư suy giảm, do đó ngay cả chính các ngân hàng cũng có thể gặp khó khăn khi muốn phát hành trái phiếu mới để có nguồn thanh toán cho các trái phiếu cũ đã đến hạn. Vì vậy, các ngân hàng này có thể phải tạm thời tìm cách tăng cường huy động vốn từ thị trường 1 để xử lý những vấn đề hạn chế hiện gặp phải ở thị trường TPDN.
Báo cáo từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong chín tháng đầu năm nay riêng khối tổ chức tín dụng có một số ngân hàng thương mại như BIDV mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 12.672 tỉ đồng; VIB 8.800 tỉ đồng; LienVietPostBank 8.000 tỉ đồng; SHB 5.450 tỉ đồng, TPBank 4.900 tỉ đồng; OCB 4.700 tỉ đồng… Mới đây nhất LienVietPostBank cho biết ngày 24-11 sẽ tiếp tục mua lại 1.814 tỉ đồng trái phiếu sau hai năm kể từ ngày phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành.
Dĩ nhiên các ngân hàng vẫn có lựa chọn tiếp tục phát hành trái phiếu nếu điều kiện thị trường cho phép và dự đoán khả năng phát hành vẫn thành công. Hội đồng quản trị VietinBank hôm 25-11 đã thông qua việc sửa đổi phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2022. Theo đó, ngân hàng này dự kiến sẽ có hai đợt chào bán trái phiếu ở kỳ hạn 8 năm và 10 năm trong thời gian tới, với tổng mức phát hành là 9.000 tỉ đồng.
Điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc huy động vốn thường sụt giảm vào những tháng cuối năm, cạnh tranh tiền gửi giai đoạn này cũng khá quyết liệt khi các ngân hàng đều muốn thu hút khách hàng gửi tiền vào dịp cuối năm cũng như đầu năm mới, trong khi nhu cầu vay vốn thường tăng cao do yếu tố mùa vụ, vì vậy các ngân hàng cũng có động lực để tăng lãi suất nhằm thu hút gửi tiền trong thời điểm hiện nay.
Theo số liệu cập nhật gần nhất từ trang web của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại hệ thống tổ chức tín dụng cuối tháng 9 đạt 5,63 triệu tỉ đồng, tăng 6,38% so với hồi đầu năm.
Tuy nhiên, nếu tính cả nhóm khách hàng doanh nghiệp thì tổng tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng cuối tháng 9 đạt hơn 11,4 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 4,33% so với đầu năm.
Mức tăng này thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng là 11,05% trong chín tháng đầu năm, khiến thanh khoản của hệ thống không còn dồi dào như trước, thậm chí còn khá căng thẳng kể từ quí 3 năm nay. Vì vậy, lãi suất luôn đứng trước áp lực đi lên là điều có thể hiểu được.