Tân Á Đại Thành làm ăn sao đề xuất lập quy hoạch KĐT 76 ha tại Quảng Ngãi?

30/09/2021 09:01

Tập đoàn Tân Á Đại Thành đang sở hữu hệ thống 19 Công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào. Năm 2019, Tập đoàn chính thức có mặt trên thị trường bất động sản bằng việc thành lập Công ty Tân Á Đại Thành Meyland.

Tiền thân của Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Tân Á Đại Thành) là cơ sở Đại Thành hoạt động từ những năm 1990. Đến tháng 9/1999, Công ty TNHH SX TM Nam Đại Thành được thành lập có trụ sở chính tại số 119 - 121 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2007 là năm đánh dấu sự kiện quan trọng của Tân Á Đại Thành, khi thực hiện sáp nhập với Công ty Tân Á Đông ở phía nam và Công ty Tân Á tại Hà Nội thành Tập đoàn Tân Á Đại Thành với vốn điều lệ 760 tỷ đồng. Lúc này, Công ty có 5 nhà máy hoạt động tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Nông và Hưng Yên.

Chủ tịch HĐQT của Tân Á Đại Thành bà Nguyễn Thị Mai Phương.

Tân Á Đại Thành đang sở hữu hệ thống 19 Công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào. Trong đó, bồn inox - bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời đang chiếm thị phần số 1 Việt Nam.

Các sản phẩm chính này đều được sản xuất tại Nhà máy Tân Á Đại Thành Hưng Yên - nhà máy lớn nhất của Tập đoàn với qui mô 10 ha, được đưa vào vận hành từ năm 2015 và CTCP Nhựa Stroman.

Hai Công ty này là hai đơn vị quan trọng nhất, đóng góp phần lớn doanh thu cho Tập đoàn Tân Á Đại Thành trong gần 20 năm qua.

Cụ thể, thông tin trên Vietnambiz, 4 năm gần nhất Tân Á Đại Thành Hưng Yên luôn ghi nhận doanh thu lên tới nghìn tỷ đồng, tăng đều đặn qua các năm. Năm 2019, Tân Á Đại Thành Hưng Yên đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức lãi sau thuế của Tân Á Đại Thành Hưng Yên chỉ đạt vài tỉ đồng mỗi năm. Năm 2019, Công ty ghi nhận 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) chỉ đạt 0,27%. Đây là tỷ suất thấp hơn nhiều so với con số 2,4% của CTCP Quốc tế Sơn Hà, doanh nghiệp hoạt động cùng ngành đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Riêng CTCP Nhựa Stroman Việt Nam được thành lập từ tháng 6/2010, cũng đặt trụ sở tại Hưng Yên, chuyên sản xuất các ống nhựa và phụ kiện, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu nhanh qua các năm.

Năm 2019 doanh nghiệp đạt mức doanh thu cao nhất, 256 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2018 và tăng gần 4 lần so với 3 năm trước đó. Song, cũng như Tân Á Đại Thành Hưng Yên, lợi nhuận của Nhựa Stroman là khá thấp trong những năm gầy đây.

Riêng năm 2019, Nhựa Stroman có lãi 11 tỷ đồng trong khi năm liền trước Công ty vẫn báo lỗ tới 17 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Stroman là 403 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 172 tỷ đồng; Tân Á Đại Thành Hưng Yên có tổng tài sản là 1.337 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 204 tỷ đồng.

Tân Á Đại Thành chiếm thị phần số 1 Việt Nam về bồn nước.

Năm 2019, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã thực hiện tái cấu trúc. Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương đã góp vốn thành lập loạt pháp nhân mới như: CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CTCP Kim khí và Gia dụng Tân Á Đại Thành - đơn vị sở hữu Tân Á Hưng Yên.

Tháng 4/2019, Tân Á Đại Thành chính thức có mặt trên thị trường bất động sản Việt Nam bằng việc thành lập Công ty CP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành Meyland, do bà Nguyễn Thị Mai Phương làm đại diện. Bà Phương cũng là Chủ tịch của Tập đoàn Tân Á Đại Thành cùng nhiều đơn vị thành viên khác của Tập đoàn này.

Các dự án bất động sản được Tân Á Đại Thành rót vốn có thể kể đến như: Meyhomes Capital Phú Quốc (260ha), quần thể du lịch nghỉ dưỡng, dân cư cao cấp và thể thao biển Bình Thuận (230ha), khu du lịch sinh thái Bãi Lữ - Nghệ An (52ha).

Phối cảnh dự án Meyhomes Capital Phú Quốc.

Theo số liệu cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Á Đại Thành Meyland là 915 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 498 tỷ đồng. Sang năm 2020, doanh nghiệp có tổng tài sản xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.600 tỷ nhưng không phát sinh hoạt động kinh doanh.

Trước đó, ngày 28/9, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã ký công văn về việc góp ý một số nội dung liên quan đến tài trợ kinh phí lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu đô thị Meyhomes Tịnh Long của Tân Á Đại Thành.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện tại, khu vực Tân Á Đại Thành đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là phù hợp với phương án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đã được UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. UBND thành phố đang hoàn chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Còn khu vực đề xuất lập quy hoạch chi tiết thuộc khu vực có ý nghĩa quan trọng đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định tại Quyết định số 322/QĐ-UBND của UBND tỉnh năm 2016. Do vậy, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tại khu vực này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Đối với việc Công ty đề xuất đầu tư dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long hơn 76 ha chưa có tên trong danh mục các dự án phát triển nhà ở được UBND tỉnh ban hành kèm theo kế hoạch số 149/KH-UBND về các dự án phát triển nhà ở năm 2019, đến năm 2020 và dự kiến các năm tiếp theo (năm 2021 -2025) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, dự án này đã được UBND tỉnh thống nhất đưa vào danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư. Do đó, Sở Xây dựng sẽ bổ sung vị trí này vào danh mục các dự án phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án phát triển nhà ở theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết "Tân Á Đại Thành làm ăn sao đề xuất lập quy hoạch KĐT 76 ha tại Quảng Ngãi?" tại chuyên mục Kiến Thức Bất Động Sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).