Tận dụng FTA đưa cán cân thương mại đảo chiều, loạt mặt hàng được hưởng lợi

27/10/2022 15:29

Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu xây dựng Nghị định biểu thuế ưu đãi để thực thi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2022-2022 đối với hàng loạt dòng thuế về 0% theo lộ trình...

fta-1666855735.png Việt Nam là thành viên của 15 FTA thế hệ mới, các đối tác này chiếm tới hơn 80% tỷ trọng thương mại của Việt Nam.

 

Trong 2 ngày 26-27/10, Bộ Tài chính phối hợp với Chương trình Cải cách Kinh tế Australia (Aus4ReForm) tổ chức chuỗi hội thảo với chủ đề "Đánh giá tác động thực thi cam kết cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA)".

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam là thành viên của 15 FTA thế hệ mới, các đối tác này chiếm tới hơn 80% tỷ trọng thương mại của Việt Nam.

Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì thực hiện các cam kết về thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong các FTA. Năm 2022 là thời điểm Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành các nghị định, trong đó có các nghị định cam kết về cắt giảm thuế trong các FTA.

Chia sẻ cụ thể hơn việc thực hiện cam kết thuế xuất nhập khẩu trong các FTA, bà Nguyễn Phương Linh, Trưởng phòng Hợp tác đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết trong 15 hiệp định đang thực hiện, có 4 hiệp định đã hoàn thành cam kết về mở cửa thị trường gồm: ASEAN hoàn thành cam kết mở cửa thị trường vào năm 2018; ASEAN - Trung Quốc năm 2020; ASEAN - Hàn Quốc năm 2021 và ASEAN - Australia - New Zealand vào năm 2022.

Đối với Hiệp định ASEAN, đến năm 2018, có 98% dòng thuế đã về 0%. Đến năm 2020, dòng thuế đã về 0% tại Hiệp định ASEAN - Trung Quốc của phía Việt Nam là 90%, của Trung Quốc là 86%.

Tỷ lệ dòng thuế đã về 0% của Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc vào năm 2021 là 87% và tại Hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand vào năm 2022 là khoảng 90%.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Nghị định biểu thuế FTA giai đoạn 2022-2022 nhằm thực hiện đúng cam kết của Việt Nam tại các FTA hay PTA (Hiệp định thương mại ưu đãi), đảm bảo tính tương thích của Nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; bao gồm việc tuân thủ Hiệp định Hải quan ASEAN (Điều 19 Hiệp định Hải quan ASEAN) về việc áp dụng Danh mục hài hòa mô tả và mã số hàng hóa xuất nhập khẩu ASEAN (AHTN) 2022.

Đánh giá chung về tác động của việc thực hiện các cam kết giảm thuế quan trong các FTA, TS. Lê Quang Thuận, chuyên gia của Aus4ReForm, cho biết cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, giảm xuất khẩu thô; nhập khẩu chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, điện tử.

Cùng với đó, với việc tham gia nhiều hiệp định song phương, đa phương với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện gấp 2 lần so với GDP, theo đó, Việt Nam trở thành một trong những nước có độ mở thương mại cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại cân bằng và từng bước đạt thặng dư. Báo cáo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy trong kỳ 1 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 466 triệu USD, đưa lũy kế đến hết ngày 15/10, cán cân thương mại thặng dư 7,24 tỷ USD.

Theo dự báo, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%.

Tuy vậy, TS. Lê Quang Thuận cũng lưu ý mức độ tập trung thương mại cao đối với một số đối tác lớn trong cả hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu, đơn cử như thặng dư cao với Hoa Kỳ, EU; thâm hụt lớn với Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.

 

Bạn đang đọc bài viết "Tận dụng FTA đưa cán cân thương mại đảo chiều, loạt mặt hàng được hưởng lợi" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).