Tân Hoàng Minh xin cho Chủ tịch Đỗ Anh Dũng về nhà: Không có căn cứ

29/08/2022 06:35

Lãnh đạo Tân Hoàng Minh cho rằng ông Đỗ Hoàng Việt và ông Đỗ Anh Dũng đóng vai trò quan trọng vào quá trình thu xếp tài chính, do đó tập đoàn này muốn xin cho lãnh đạo được tại ngoại. Tuy nhiên, luật sư cho biết, việc này không có căn cứ.

Tân Hoàng Minh xin cho Chủ tịch Đỗ Anh Dũng về nhà

Chiều 26/8, ông Vũ Đình Luyện, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, đã có buổi làm việc với các nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh để giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.

do-anh-dung-tan-hoang-minh-16616730901741956587488-1661683460.jpg
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 5/4. Ảnh: THM

Liên quan đến tiến độ trả tiền, ông Luyện cho biết Tân Hoàng Minh đang thu xếp, gặp gỡ các đối tác nhận chuyển nhượng dự án. "Ngoài ra, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ nỗ lực nộp đơn xin được tại ngoại cho một số lãnh đạo cấp cao của tập đoàn đang bị tạm giam", ông Luyện nói.

Theo ông, nếu có sự hiện diện của một số lãnh đạo tập đoàn trong việc điều hành hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như ông Đỗ Hoàng Việt hoặc ông Đỗ Anh Dũng sẽ đóng vai trò quan trọng vào quá trình thu xếp tài chính để hoàn trả nhà đầu tư.

Khó khăn lớn nhất của Tân Hoàng Minh hiện nay chỉ có ông Đỗ Hoàng Minh là lãnh đạo cấp cao duy nhất tham gia điều hành mọi hoạt động. Ông Luyện chỉ là người hỗ trợ. Trong khi đó, bộ máy nhân sự vận hành của tập đoàn cũng bị thu hẹp, lực lượng mỏng.

"Chính vì vậy, chúng tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền cho phép một số lãnh đạo cấp cao của tập đoàn được tại ngoại để tham gia trực tiếp điều hành hoạt động của tập đoàn", đại diện Tân Hoàng Minh nhấn mạnh.

Xin cho ông Đỗ Anh Dũng về nhà là không có căn cứ!

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định, điều kiện để thay đổi biện pháp ngăn chặn phải đối chiếu quy định  của pháp luật.

Theo luật sư Khuyên, vụ án xảy ra tại Tân Hoàng Minh là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12- 20 năm, hoặc tù chung thân.

Bởi vậy, cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Vì, tại khoản 1, Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 2015 đã quy định: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng nêu rõ, trường hợp người bị tạm giam có nhà ở hoặc tài sản khác mà không có người bảo quản, cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản.

Như vậy cơ quan tố tụng chỉ áp dụng biện pháp bảo quản tài sản nếu không có ai thay thế quản lý tài sản cho bị can, trường hợp tập đoàn Tân Hoàng Minh là doanh nghiệp có tài sản của bị can nhưng vẫn còn những thành viên khác của công ty có thể thay thế thực hiện các công việc của doanh nghiệp, quản lý tài sản của doanh nghiệp.

Như vậy việc đề nghị thay đổi biện ngăn chặn đối với bị can Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt để bị can tiếp tục điều hành giải quyết công việc của doanh nghiệp là không có căn cứ pháp luật.

"Việc các bị can có được thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định, trên cơ sở các quy định của pháp luật chứ không phải theo ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng hay của người khác" – vị luật sư nhấn mạnh.

Ngoài ra, vụ án còn đang diễn biến khá phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan, nhiều tổ chức nên việc đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can ở thời điểm này là rất khó thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết "Tân Hoàng Minh xin cho Chủ tịch Đỗ Anh Dũng về nhà: Không có căn cứ" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).