Sau kiểm toán, doanh thu tài chính cao gấp 5 lần, lên hơn 78 tỷ đồng; chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ. Ngược lại, lợi nhuận khác giảm mạnh, từ 206 tỷ đồng xuống âm 150 triệu đồng.
Chênh lệch số liệu KQKD hợp nhất bán niên 2022 của TH1 trước và sau soát xét. Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
Các thay đổi trên khiến kết quả nửa đầu năm của TH1 chuyển từ lãi ròng hơn 22 tỷ đồng trong báo cáo tự lập thành lỗ ròng hơn 130 tỷ đồng sau soát xét.
Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân chuyển từ lãi sang lỗ sau soát xét chủ yếu do Công ty tăng trích lập dự phòng công nợ, dẫn đến tăng chi phí hoạt động trong kỳ.
Cụ thể, Công ty đã trích dự phòng hơn 151 tỷ đồng cho khoản phải thu về lãi tiền gửi, tiền cho vay. Theo thuyết minh, đây là khoản lãi phải thu của hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam. Trong năm 2021, Công ty đã thu hồi toàn bộ phần vốn góp theo hợp đồng hợp tác đầu tư này bằng tiền ngân hàng.
Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2022 của TH1 |
Đáng chú ý, tại BCTC hợp nhất soát xét, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ đối với TH1.
Ở ý kiến thứ nhất, kiểm toán cho rằng có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty, đến từ khoản lỗ lũy kế trên Bảng CĐKT hợp nhất bán niên tại ngày 30/06/2022 gần 223 tỷ đồng.
Thứ hai, kiểm toán viên chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng cần thiết để đánh giá tính phù hợp của giao dịch liên quan đến khoản hợp tác đầu tư giữa Công ty với ông Hà Văn Hội và ông Trần Minh Hiếu số tiền lần lượt là 34.7 tỷ đồng và 64 tỷ đồng theo thuyết minh số 8 - mục “phải thu khác”.
Thứ ba, theo thuyết minh số 19 - mục “phải trả khác”, Công ty đang ghi nhận khoản công nợ đối với bà Vũ Thị Ngọc 34.7 tỷ đồng để thực hiện các thỏa thuận hợp tác đầu tư. Bằng các thủ tục soát xét cần thiết, kiểm toán viên không thể xác định được phạm vi, nội dung cũng như tiến độ thực hiện các khoản đầu tư này.
Với ý kiến thứ 2 và 3, đơn vị kiểm toán không thể đánh giá hết ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề này đến các khoản mục trên BCTC hợp nhất bán niên cho kỳ kế toán từ ngày 01/01-30/06/2022.
Trước đó, TH1 từng có doanh thu trên 2 ngàn tỷ đồng, tổng tài sản ngàn tỷ và vốn chủ sở hữu gần 320 tỷ đồng vào năm 2012; song trượt dài vào những năm tiếp theo. Giai đoạn 2015-2017, TH1 liên tục báo lỗ trên trăm tỷ đồng hàng năm.
Tại BCTC soát xét bán niên 2022, vốn chủ sở hữu của TH1 âm trên 39 tỷ đồng, trong khi đầu năm hơn 90 tỷ đồng. Hiện, Công ty vẫn còn gần 517 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm chủ yếu là phải trả ngắn hạn khác (242 tỷ đồng) và vay nợ thuê tài chính dài hạn (176 tỷ đồng).