Tập đoàn Hà Đô "ôm" nợ gần 10.000 tỷ, gánh nặng từ lãi vay đè nặng

10/06/2021 19:47

Dù kết quả kinh doanh tích cực nhưng Tập đoàn Hà Đô đang phải đối mặt với gánh nặng trả nợ lớn. Ngoài ra, Hà Đô còn phải gánh khoản nợ xấu lên đến hàng chục tỷ.

Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) tiền thân là xí nghiệp Xây dựng của Bộ Quốc phòng được thành lập năm 1990. Năm 2004, Hà Đô cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Hà Đô. 

Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh mảng bất động sản bao gồm: Đầu tư kinh doanh nhà ở, khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, cho thuê mặt bằng và nhận thầu xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện…

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô 'ôm' nợ gần 10.000 tỷ, gánh nặng từ lãi vay đè nặng

Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hà Đô.

Ông Nguyễn Trọng Thông làm Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hà Đô từ năm 2007. Sau 30 năm dưới sự dẫn dắt ông Thông, Hà Đô đã trở thành tập đoàn lớn với hệ thống 11 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động đa lĩnh vực.

Hàng loạt dự án dở dang, bị "bêu tên" sai phạm

Năm 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Hà Đô đạt 4.999 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2019 và doanh thu chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản với 3.059 tỷ đồng (chiếm 61% tổng doanh thu). Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của doanh nghiệp cũng tăng 13% đạt 1.254 tỷ đồng.

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô 'ôm' nợ gần 10.000 tỷ, gánh nặng từ lãi vay đè nặng (Hình 2).

Theo tìm hiểu của PV, về mảng bất động sản, Hà Đô có 8 dự án đang triển khai. Trong đó, Hado Charm Villas (trước đây là dự án Khu đô thị mới An Khánh – An Thượng) nằm trên địa bàn 2 xã An Thượng và Song Phương huyện Hoài Đức, Hà Nội là dự án trọng điểm của Hà Đô.

Dự án này được khởi công vào năm 2008 nhưng sau 10 năm triển khai đến thời điểm bàn giao dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, không có hoạt động thi công xây dựng.

Đến năm 2018, dự án được TP. Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch. Cuối năm 2020, nhiều sàn bất động sản bất ngờ rao bán các sản phẩm tại dự án này. Theo báo cáo của CTCP chứng khoán VNDirect, trong 2 đợt mở bán đầu tiên vào tháng 12/2020 và 01/2021, dự án Hado Charm Villas đã bán 150 căn trong tổng số 528 căn biệt thự, liền kề. Hiện tại, 98 căn đang được xây dựng với 20 căn đã hoàn thiện xây thô.

 

Tuy nhiên, mới đây trong Báo cáo số 75/BC-UBND về kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP, Tập đoàn Hà Đô đã “bêu tên” sai phạm tại dự án này.

Theo đó, tại dự án Hado Charm Villas, chủ đầu tư chưa điều chỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, cơ quan chức năng yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ để được xem xét, thẩm định trình UBND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô 'ôm' nợ gần 10.000 tỷ, gánh nặng từ lãi vay đè nặng (Hình 3).

Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán bị “bêu tên” sai phạm trong Báo cáo của UBND TP Hà Nội.

Một dự án khác của Hà Đô cũng được UBND TP Hà Nội chỉ ra sai phạm tại báo cáo số 75/BC-UBND là dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

UBND TP Hà Nội cho biết, hiện còn 4 lô đất liền kề đang triển khai đầu tư xây dựng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng khu nhà ở thấp tầng tại dự án này.

Ngoài 2 dự án bị bêu tên trên, Hà Đô còn hai dự án gồm Khu hỗn hợp Dịch Vọng (gồm 2 tòa tháp, hỗn hợp cao cấp căn hộ - văn phòng - TTTM) và dự án 62 Phan Đình Giót (gồm chung cư và văn phòng cho thuê) tại Hà Nội đang trong quá trình hoàn thành quy hoạch 1/500.

Bên cạnh đó, Hà Đô đang triển khai một số dự án như Hado Centrosa Garden, Hado Green Lane, Hado Minh Long tại TP.HCM và dự án Nongtha Central Park tại Viêng Chăn, Lào . 

Cụ thể, dự án Hado Centrosa Garden nằm tại số 200, đường Ba Tháng Hai, Phường 12, Quận 10, TP.HCM được khởi công vào năm 2016, có quy mô gần 7ha, trong đó khu thấp tầng có diện tích 10.628 m2 với 115 căn nhà phố liền kề, khu cao tầng có diện tích 33.660 m2 gồm 8 tòa tháp, mỗi tòa cao 30 tầng.

Trong đó, khu thấp tầng đã được bàn giao hết vào năm 2017 còn khu cao tầng, Hà Đô đang triển khai bàn giao 4 tòa Iris còn lại (1.010 căn) trong giai đoạn năm 2020-2021.

Đối với Hado Green Lane (tên thương mại là Bình An Riverside) được xây dựng tại 2735 Phạm Thế Hiển, Quận 8, TP.HCM có quy mô hơn 2,32 ha gồm 3 tòa chung cư và đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Còn dự án Hado Minh Long nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức có tổng diện tích 2,71 ha với 3 tòa chung cư, 100 căn liền kề. Trong năm 2021, Tập đoàn Hà Đô có kế hoạch mở bán 2 dự án này, tuy nhiên thủ tục pháp lý của 2 dự án trên vẫn chưa hoàn thiện.

"Ôm" khoản nợ gần 10.000 tỷ đồng

Để triển khai các dự án, Hà Đô tiếp tục tăng vay nợ ngân hàng và phát hành trái phiếu. Kết thúc năm 2020, nợ phải trả của Tập đoàn Hà Đô là 9.901 tỷ đồng giảm 6,4% so với năm 2019. Dù vậy, con số này vẫn khiến Hà Đô phải đối diện với áp lực trả nợ tương đối lớn. Bởi nếu so với tổng cộng nguồn vốn thì nợ phải trả chiếm đến gần 71% và gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu.         

Trong đó, doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh giảm các khoản vay tài chính ngắn hạn, nhưng ngược lại, các khoản vay dài hạn lại có xu hướng phình to. Vay nợ tài chính dài hạn đã tăng từ 4.694 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2020, lên mức 5.718 tỷ đồng vào cuối năm.

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô 'ôm' nợ gần 10.000 tỷ, gánh nặng từ lãi vay đè nặng (Hình 4).

Cụ thể, chủ nợ lớn nhất của Hà Đô là ngân hàng BIDV với tổng nợ 3.499 tỷ đồng; tiếp theo là nợ 983 tỷ đồng từ ngân hàng Vietinbank và nợ 556 tỷ đồng ngân hàng Vietcombank. Để nhận được các khoản vay, Hà Đô đã phải mang các dự án ra làm tài sản đảm bảo.

Đơn cử như để nhận được khoản vay dài hạn từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Ba Đình với hạn mức tối đa 350 tỷ đồng dùng thanh toán các chi phí đầu tư dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại tại số 2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM, Hà Đô thế chấp toàn bộ quyền kinh doanh, quản lý khai thác đối với tài sản hình thành từ dự án này.

Bên cạnh vay nợ ngân hàng, Hà Đô còn có khoản vay từ ông Đào Tuấn Việt (55 tỷ đồng); Nguyễn Trọng Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô (40 tỷ đồng) và phát hành trái phiếu 1.043 tỷ đồng (bên mua là CTCP Chứng khoán Bản Việt  644 tỷ đồng; CTCP Chứng khoán VNDirect xấp xỉ 250 tỷ đồng; CTCP Chứng khoán SSI 149 tỷ đồng). 

Với khoản nợ vay lớn khiến áp lực trả lãi vay của Hà Đô cũng không hề nhỏ. Đây chính là gánh nặng chính đè lên chi phí tài chính. Năm 2020, khoản chi phí lãi vay của Hà Đô là 362 tỷ đồng tăng gần 59% so với năm 2019 (228 tỷ đồng). 

Tính đến 31/12/2020, nợ xấu của doanh nghiệp tăng cao. Nếu tại thời điểm cuối 2019, nợ xấu mà Hà Đô phải gánh là 21 tỷ đồng (trong đó, khoản có thể thu hồi được là 1,1 tỷ đồng) thì tới cuối năm 2020, khoản phải thu ngắn hạn khó đòi (thời hạn từ dưới 1 năm đến trên 3 năm) đã lên đến xấp xỉ 80 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi được là gần 37 tỷ đồng).

Trong 3 tháng đầu năm 2021, khoản vay dài hạn của Hà Đô tiếp tục tăng thêm 5,2% đạt 6.016 tỷ đồng. Trong đó, vay dài hạn là 4.957 tỷ đồng (gồm vay ngân hàng 4.917 tỷ đồng và 40 tỷ đồng vay ông Nguyên Trọng Minh); trái phiếu phát hành 1.001 tỷ đồng và vay từ công ty khác 57 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Tập đoàn Hà Đô "ôm" nợ gần 10.000 tỷ, gánh nặng từ lãi vay đè nặng" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).