Vào ngày 17/1 tới đây, Hòa Bình sẽ tiến hành mua lại 250 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô HBCH2225001. Nguồn mua lại là từ hoạt động kinh doanh/các nguồn khác.
Lô trái phiếu có tổng mệnh giá 500 tỷ đồng, được phát hành ngày 27/1/2022 với thời hạn 5 năm. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành được dùng để bổ sung vốn lưu động, phục vụ hoạt động kinh doanh xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Tài sản đảm bảo là cổ phiếu HBC và/hoặc tài sản hợp lệ khác theo yêu cầu bổ sung của đại lý quản lý tài sản đảm bảo.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của HBC đạt mức 10.904,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 63,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,65% và giảm 21% so với cùng kỳ 2021.
Tính tại thời điểm 30/9/2022, các khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình là 13.355 tỷ đồng, trong đó 6.164 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn khách hàng; 5.116 tỷ đồng phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng; 1.783 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.
Đây là áp lực tài chính không nhỏ đối với HBC, trong bối cảnh các chủ đầu tư, đối tác của HBC - vốn là các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp khó khăn về dòng tiền.
Chương trình họp dự kiến thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT, thay đổi một số quy định trong Điều lệ của công ty, bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới, làm sáng tỏ các thông tin tài chính của công ty do nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố và diễn giải.
Khoản 3, điều 115, Luật doanh nghiệp quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao hoặc/và trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Về cơ cấu sở hữu, tính tới thời điểm hiện tại, Chủ tịch Lê Viết Hải là cổ đông lớn nhất tại Hòa Bình khi sở hữu 43,91 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 17,86% vốn điều lệ. Tính thêm sở hữu của các thành viên trong gia đình, con số này tăng lên hơn 22%.