Trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều lãnh đạo Tòa Quảng Ninh bị xử lý kỷ luật vì tha tù sai cho Phan Sào Nam
Từ ngày 6 đến ngày 8/9, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp Kỳ thứ sáu. Tại Kỳ họp này UBKT Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung trong đó có xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân Phan Sào Nam tại Trại giam Quảng Ninh.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và Đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo BCSĐ TAND tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.
Cảnh cáo các cán bộ: Hoàng Văn Tiền (Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh); Phạm Thị Hương Giang (Ủy viên BCSĐ, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND tỉnh); Nguyễn Trí Chinh (Ủy viên BCSĐ, Phó Chánh án TAND tỉnh); Nguyễn Thúy Hằng (Bí thư Chi bộ, Chánh Tòa Dân sự) và Nguyễn Thị Thu Hiền (Phó Trưởng Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh).
Theo UBKT Trung ương Ban cán sự Đảng (BCSĐ), Bí thư BCSĐ các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, một số Ủy viên BCSĐ, lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; vi phạm các Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, BCSĐ TAND tỉnh; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện.
Ngoài ra, UBKT Trung ương cũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, BCSĐ TAND tối cao, BCSĐ Viện KSND Tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ chỉ đạo xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm liên quan đến việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam.
Nhiều lãnh đạo, cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh bị xử lý kỷ luật vì tha tù sai cho Phan Sào Nam.
Xử lý kỷ luật về mặt chính quyền
Liên quan đến vi phạm tha tù sai cho Phan Sào Nam, dư luận quan tâm đặt ra câu hỏi liệu ngoài việc bị xử lý kỷ luật về Đảng, các lãnh đạo, cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh có phải chịu thêm hình thức xử lý nào nữa?
Trước câu hỏi trên, trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “theo quy định 102 năm 2017 khẳng định, Đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ; Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, đoàn thể hoặc các hình thức xử lý khác của pháp luật…”.
Luật sư Cường cũng cho hay, người vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng, ngoài việc bị xử lý kỷ luật Đảng sẽ bị xử lý kỷ luật công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP với các hình thức kỷ luật hành chính gồm:
Áp dụng đối với cán bộ: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc.
Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
Áp dụng đối với viên chức quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Luật sư Cường cho rằng, hình thức kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính là khác nhau. Cụ thể, tại Khoản 6 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW đã quy định rõ: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật”.
Khoản 5 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng có quy định: “Không áp dụng hình thức kỷ luật hành chính hoặc hình thức kỷ luật Đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự”.
“Như vậy, trường hợp cán bộ, Đảng viên có vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, ngoài việc bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP, của Chính phủ về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”, Luật sư Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ đã ký, ban hành quyết định giảm thời gian chấp hành hình phạt tù cho Phan Sào Nam. Nếu có lỗi cố ý (biết rõ làm việc ban hành quyết định trái pháp luật nhưng vẫn cố tình ban hành quyết định này) thì người ký quyết định còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Về mặt lý luận, các quyết định tố tụng hình sự bị hủy bỏ có thể do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, nếu lỗi cố ý thì đó là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Tùy thuộc vào yếu tố lỗi, động cơ, mục đích, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi vi phạm là ra quyết định trái pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội ra quyết định trái pháp luật theo điều 371, Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, trường hợp tổ chức Đảng xác định Đảng viên có sai phạm là đúng, cơ quan chức năng cũng xác định quyết định giảm thời gian chấp hành hình phạt tù là quyết định trái pháp luật và hủy bỏ quyết định này, cơ quan chức năng sẽ xem xét quyết định trái pháp luật là quyết định do ai ban hành? Người ban hành quyết định này có biết rõ là trái pháp luật hay không?
Trường hợp xác định là quyết định trái pháp luật, việc ban hành quyết định trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như thế nào? Khi đó mới có căn cứ để xem xét có xử lý hình sự đối với hành vi ra quyết định trái pháp luật hay không”, Luật sư Cường phân tích.
Khi có quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Cấp cao để hủy bỏ quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét, làm rõ khi ban hành quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù này, người ban hành quyết định có “biết rõ” là trái pháp luật hay không?
“Nếu việc ban hành quyết định này là lỗi cố ý, người ban hành quyết định “biết rõ” là quyết định trái pháp luật nhưng vẫn cố tình ban hành thì người ký quyết định này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn trường hợp người ban hành quyết định này không biết rõ, do lỗi vô ý, chủ quan sẽ không xem xét xử lý hình sự mà chỉ xử lý kỷ luật về Đảng và kỷ luật về mặt chính quyền”, Luật sư Cường kết luận.