Nhiều dự án “khủng” vi phạm
Ngày 12/12/2022, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận Thanh tra số 2211/KL-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2018. Sau đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 249/VPCP-VI gửi Thanh tra Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải; UBND tỉnh Hà Nam về Kết luận Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam.
Cụ thể, trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vi phạm, khuyết điểm về những công tác sau: Ban hành văn bản; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; Thu hồi, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại dự án khu đô thị, khu nhà ở; Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản…
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, có 35 dự án đầu tư được địa phương thu hồi đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh với diện tích 97,1ha (cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng) nhưng các dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Sau đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3187 chỉ đạo UBND huyện, thành phố chấn chỉnh, đảm bảo việc thu hồi đất đúng theo quy định.
Đến thời điểm thanh tra, có đến 20 dự án chậm tiến độ, trong đó 11 dự án chưa được giao đất, cho thuê do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, 8 dự án được giao đất nhưng UBND tỉnh chưa thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với 20 dự án hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở hỗn hợp khi chưa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm. Có đến 4 dự án UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu. Không chỉ vậy, UBND tỉnh chấp thuận 12 dự án kho bãi, cảng ven sông Đáy nhưng có tới 11/12 dự án không nằm trong Quy hoạch cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Đặc biệt, UBND tỉnh cho phép 8 công ty khai thác tận thu khoáng sản (đá) trên địa bàn huyện Thanh Liêm nhưng không yêu cầu lập hồ sơ khai thác, trong đó có 6/8 công ty khai thác vị trí đất thuộc khu vực cấm hoạt động.
Chưa kể, một loạt các dự án khủng như KĐT Đồng Văn Xanh, KĐT mới River Silk City, TTTM tổng hợp tại phường Liêm Chính (thành phố Phủ Lý), Khu dịch vụ thương mại KCN Đồng Văn I, Tổ hợp khách sạn, TTTM và căn hộ để bán – cho thuê Mường Thanh, dự án san nền, hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Kiện Khê I… đều vướng nhiều sai phạm về đất đai.
"Rót" hàng trăm tỷ đồng vào 4 dự án không đúng quy định
Theo Thanh tra Chính phủ, tại dự án san nền, hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Kiện Khê I (Khu công nghiệp Thanh Liêm), UBND tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần chi phí đầu tư san nền, hạ tầng kỹ thuật không đúng quy định 164 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án Nhà máy Hoa Sen Hà Nam hơn 76,7 tỷ đồng; Nhà máy sữa Nutifood Hà Nam 31,2 tỷ đồng; Nhà máy Number One Hà Nam 50,4 tỷ đồng và Nhà máy sản xuất dược phẩm Hoa Thiên Phú 5,7 tỷ đồng).
Ngoài ra, Chủ đầu tư Nhà máy Number One Hà Nam còn nợ 80,9 tỷ đồng tiền chi phí san nền, hạ tầng kỹ thuật phải nộp tính từ năm 2016.
Ngày 18/6/2021, UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi số tiền 164 tỷ đồng hỗ trợ không đúng đối tượng. Đến tháng 8/2021, Chủ đầu tư dự án Nhà máy Number One Hà Nam đã nộp toàn bộ số tiền ưu đãi không đúng quy định và số tiền nợ chi phí san nền 80,9 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tiền chậm nộp đối với số tiền 80,9 tỷ đồng từ tháng 10/2016 – 3.8.2021 (hơn 4 năm), UBND tỉnh vẫn chưa xác định theo quy định để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện.
Không những thế, UBND tỉnh áp dụng không thống nhất mức tỷ lệ phần trăm để tính đơn giá thuê đất đối với 4 dự án có cùng điều kiện thuê đất tại Cụm công nghiệp Kiện Khê I thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
UBND tỉnh áp dụng mức tỷ lệ 0,5% để tính đơn giá thuê đất đối với dự án Nhà máy sữa Nutifood Hà Nam, mức 1% đối với 3 dư án còn lại là “thiếu công bằng giữa các dự án”, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Riêng dự án đầu tư Nhà máy Hoa Sen Hà Nam và dự án đầu tư Nhà máy sản xuất dược phẩm Hoa Thiên Phú (nay là dự án đầu tư Nhà máy thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc, bao bì áp dụng công nghệ cao) chậm tiến độ sử dụng đất theo quy định, nhưng UBND tỉnh chưa thực hiện gia hạn thời gian sử dụng đất và thu tiền chậm tiến độ theo quy định tại Luật Đất đai 2013 và Nghị định 135/2016/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh chấm dứt các ưu đãi đầu tư (về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu…) tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho 3 dự án (Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, Nhà máy sữa Nutifood Hà Nam và Nhà máy sản xuất dược phẩm Hoa Thiên Phú) với lý do chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kể từ khi bàn giao đất trên thực tế là không đúng quy định tại Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc UBND tỉnh qua các thời kỳ. Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan thanh tra cũng chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. |