Thanh tra Bộ Công Thương vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 11 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở phía Nam.
Cụ thể, một số thương nhân đầu mối báo cáo về kho chứa xăng dầu chưa đúng với thực tế. Cá biệt trong giai đoạn ngắn, có thương nhân thuê kho với sức chứa chưa đáp ứng theo quy định. Một số doanh nghiệp còn có tình trạng thuê kho, bồn, bể chứa, trang thiết bị liên quan đến điều kiện cấp phép để qua mặt cơ quan chức năng khi đến kỳ kiểm tra và hợp thức hóa việc cấp phép.
Còn có tình trạng một số thương nhân "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định" của Nghị định 83 và Nghị định 95: vẫn bán hàng khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết giá trị; cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của các công ty con, công ty có vốn góp thuộc đồng sở hữu của một số thương nhân đầu mối chưa rõ ràng, chưa có căn cứ pháp lý, chưa có đủ cơ sở để nhận xét, đánh giá về việc đồng sở hữu…
Bên cạnh đó, có xảy ra trường hợp các thương nhân phân phối bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối. Điều này chưa thực hiện đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân, nhưng hiện chưa có quy định về chế tài xử lý.
Đối với nhập khẩu xăng dầu, có tình trạng thương nhân đầu mối không hoạt động nhập khẩu trong quý I và quý II/2021. Cơ quan thanh tra cho biết theo quy định, "Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu".
Cũng có một số thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công Thương phân giao và có xảy ra việc một đơn vị ký hợp đồng làm đại lý cho nhiều thương nhân đầu mối...
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương, phần lớn thương nhân đầu mối bán xăng dầu cho các thương nhân phân phối với sản lượng thấp hơn nhiều so với mức bình quân 1 tháng năm 2021; việc dự trữ xăng dầu tại một số thương nhân đầu mối chưa đáp ứng về mức dự trữ tối thiểu bắt buộc 15 ngày.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra tại các báo cáo của các thương nhân đầu mối gửi về hàng năm đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, việc duy trì hệ thống phân phối theo quy định. Tuy nhiên, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý đã chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này; chậm trễ trong việc phát hiện các hành vi vi phạm hành chính và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.
Thanh tra Bộ Công Thương nhấn mạnh một số vụ, cục thuộc Bộ Công Thương chưa tham mưu đầy đủ với lãnh đạo Bộ, để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định số 83.
"Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các Sở Công Thương, thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất", theo kết luận thanh tra.