Sự kiện bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh đã khiến đà tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản nguy khốn. Nhà đầu tư bán tháo khiến giá giảm hàng loạt. Cổ phiếu đầu cơ tăng nóng dĩ nhiên ảnh hưởng nặng nhất, trong đó nhóm cổ phiếu FLC dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị.
Chỉ số VNREAL đại diện 39 cổ phiếu nhóm bất động sản trên sàn HoSE đang giảm 2,7%, trong đó có 11 mã giảm sàn. Do cổ phiếu bất động sản chiếm ưu thế trong các rổ Midcap và Smallcap, nên cả hai chỉ số đại diện rổ vốn hóa này cũng giảm tương ứng 2,63% và 3,42%.
Màn “tháo chạy” của Tân Hoàng Minh lại diễn ra đồng thời với sự kiện dồn dập liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu làm vỡ nát sự đồng thuận trong nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng và làn sóng đầu cơ cổ phiếu nhỏ đang diễn ra.
Toàn sàn HoSE sáng nay chỉ còn 77 mã tăng nhưng 389 mã giảm. Có 47 cổ phiếu đang giảm kịch sàn, trong đó 8 mã thuộc Midcap, 23 mã thuộc Smallcap, còn lại là chưa thuộc nhóm nào.
Cổ phiếu bất động sản dĩ nhiên chịu “cú đánh đúp” từ hai sự kiện nói trên, sụt giảm nhiều nhất sáng nay. Hàng loạt mã giảm sàn đều là các cổ phiếu đầu cơ rất nóng thời gian qua, nhưng cũng ảnh hưởng đến nhiều blue-chips bất động sản. VIC giảm 1,58%, VHM giảm 1,91%, VRE giảm 3,65%, NVL giảm 2,25% là tiêu biểu.
Nhóm cổ phiếu “họ” FLC thì dĩ nhiên bị bán tháo dữ dội. FLC đang giảm sàn sau các diễn biến mới về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết. Hiện FLC đang dư bán sàn trên 38,6 triệu cổ phiếu và chỉ có 2,44 triệu cổ tháo chạy được. Diễn biến này khác hẳn hôm qua khi vẫn có gần 155 triệu cổ chạy thoát. Diễn biến của FLC cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mã khác cùng “họ”: ROS giảm sàn với gần 77,2 triệu cổ dư bán sàn; KLF sàn với dư bán 20,7 triệu cổ; ART sàn với hơn 8,9 triệu cổ dư bán; HAI sàn với gần 18 triệu cổ dư bán; AMD sàn với dư bán 14,6 triệu cổ....
Với ảnh hưởng quá lớn từ nhóm cổ phiếu bất động sản, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ khác cũng bị bán tháo theo. Ngoài 47 mã đang kịch sàn ở HoSE, có thêm 150 mã khác đang giảm trên 2% giá trị. HNX ghi nhận 16 mã sàn, chỉ số chính giảm 2,76%. UpCOM có 13 mã sàn, chỉ số giảm 1,48%.
Nhóm cổ phiếu blue-chips cũng bị ảnh hưởng, chủ yếu ở các trụ bất động sản. Tuy nhiên VN30-Index chỉ giảm 0,34%, so với VN-Index giảm 1,11% là rất nhẹ và càng nhẹ so với các chỉ số midcap, smallcap. Độ rộng ở rổ VN30 vẫn còn 11 mã tăng/19 mã giảm.
Các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, thép đang cố gắng tăng giá để cân bằng phần nào áp lực giảm giá do bán tháo ở phần còn lại. GAS tăng 2,42%, PLX tăng 0,37%, BID tăng 1,65%, TCB tăng 1,44%, MBB tăng 1,43%, SSI tăng 1,77%, HPG tăng 0,89%... Tuy nhiên tương quan sức mạnh ở nhóm tăng là quá nhỏ, chỉ có thể đỡ được với riêng chỉ số VN30-Index mà thôi.
Thanh khoản phiên sáng nay tăng vọt do hoạt động bán tháo lan tràn. Top 5 thanh khoản thị trường toàn là các mã bất động sản giảm giá cực mạnh, trừ STB. Đó là DIG giảm 6,84% giao dịch 1.170,3 tỷ đồng, GEX giảm sàn giao dịch 1.109,3 tỷ đồng, VCG giảm 4,29% giao dịch 681 tỷ đồng, CEO giảm 9,72% giao dịch 735,9 tỷ đồng.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng vọt gần 34% so với sáng hôm qua, đạt 26.303 tỷ đồng. Trong đó HoSE tăng 31% thanh khoản, đạt 23.107 tỷ đồng. Mức giao dịch đáng lẽ còn cao hơn nữa nếu như các mã như FLC không mất thanh khoản. Cổ phiếu này chỉ giao dịch hơn 45 tỷ đồng do không còn mấy người mua.
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng khá tốt với 149,3 tỷ đồng trên HoSE, hơn 22 tỷ đồng trên HNX và khoảng 15 tỷ trên UpCOM. Khối này mua ròng tốt nhất tại KDH +58 tỷ, KBC +35 tỷ, VCB +29 tỷ, BCM +28 tỷ,VIC +28 tỷ, MSN +25 tỷ... Phía bán có CTG -57 tỷ, HSG -24 tỷ đồng.