Thao túng thị trường có sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán “sân sau”?

12/07/2022 15:01

Có thể nói Công ty Chứng khoán BOS là minh chứng rõ ràng về sự tiếp tay của công ty chứng khoán “sân sau” để thao túng thị trường chứng khoán. Và hiện không chỉ có BOS.

Thâu tóm và thao túng

Công ty chứng khoán “sân sau” được phát triển nở rộ ngay sau khi thị trường chứng khoán (TTCK) hình thành và từ lâu chúng được biết đến là trợ thủ đắc lực cho việc thao túng thị trường. Các ngân hàng cũng liên tiếp ra đời các công ty đánh chiếm thị phần như VCBS, ACBS, BSC, MBS…. Đến nay, V-P-S là công ty dẫn đầu thị phần môi giới.

Trải qua hơn 20 năm phát triển, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, trong đó, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành chưa cao, nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường.

cong-ty-chung-khoan-bos-1657618092.png
Có thể nói Công ty Chứng khoán BOS là minh chứng rõ ràng về sự tiếp tay của công ty chứng khoán “sân sau” để thao túng thị trường chứng khoán.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo một số nội dung liên quan đến TTCK, trong đó nhấn mạnh trên thị trường cổ phiếu, thị trường phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).

Theo Bộ Tài chính, TTCK tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật. Trong khi đó, quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe. Quy định về thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh; điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán đang tương đối thấp.

Thực tế xử phạt việc làm giá cổ phiếu vẫn diễn ra khá khiêm tốn. Năm 2021, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương bị xử phạt 1,2 tỷ đồng trong vụ việc thao túng giá cổ phiếu FTM của công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Ông Nguyễn Quang Vinh bị xử phạt 550 triệu đồng vì sử dụng 35 tài khoản để liên tục giao dịch khớp chéo cổ phiếu TAR. Gần đây Louis Holdings bị phạt tiền hơn 161 triệu đồng do có thực hiện giao dịch mua chui hơn 1 triệu cổ phiếu TGG.

Còn Công ty chứng khoán BOS tiếp tay cho nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC thao túng thị trường chứng khoán. BOS chỉ bị lộ mặt là một “đội lái” khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và điều tra. Còn những đội lái khác ẩn mình là các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán… thì chưa biết đến hoặc được NĐT chỉ mặt đọc tên nhưng chưa có đủ bằng chứng hành vi vi phạm, dấu hiệu phạm tội.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn khiến nhiều công ty chứng khoán trở thành mục tiêu thâu tóm của các tập đoàn kể từ 2020 đến nay.

Có thể kể đến như: nhóm Louis Holdings cũng từng đầu tư vào Chứng khoán APG trong chuỗi sự kiện thâu tóm một loạt công ty trên sàn chứng khoán.

Chứng khoán VIX được nhóm cổ đông liên quan đến đại gia Nguyễn Văn Tuấn âm thầm mua lại. Hiện công ty môi giới này hưởng lợi đáng kể từ hệ sinh thái liên quan bao gồm Tập đoàn Gelex, Viglacera, Cadivi, Thibidi…

Tập đoàn Bamboo Capital của ông Nguyễn Hồ Nam cũng nhắm vào lĩnh vực tài chính khi thâu tóm thành công Chứng khoán Thủ Đô. Từ đó công ty này có thể hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động giao dịch và huy động vốn của hệ sinh thái đa ngành này.

Nhận diện một số chiêu trò thao túng thị trường chứng khoán phái sinh

Để thao túng trên thị trường chứng khoán cơ sở, đội lái cần có sự tham gia hỗ trợ của công ty chứng khoán và mở nhiều tài khoản để tạo cung - cầu ảo, sau đó, tạo những “game” và tung tin đồn để thu hút nhà đầu tư.

cong-ty-co-phan-chung-khoan-vps-1657618092.png
Đến nay, V-P-S là công ty dẫn đầu thị phần môi giới.

Còn thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) thì tinh vi và khó nhận diện hơn so với thị trường cơ sở do thao túng chỉ số VN30 sẽ tốn nhiều “lực” hơn là một vài mã cổ phiếu và việc thao túng thời gian dài là không hiệu quả. Trong một thời điểm, nhà đầu tư dù có cảm nhận giá đã bị ép vượt ngưỡng nhưng khó rõ ràng nhận ra, đặc biệt với cơ quan chức năng thì việc thanh tra, giám sát, xử phạt thao túng CKPS cũng khó khăn hơn rất nhiều.

Các công ty chứng khoán sân sau cũng có thể dùng một số chiêu như tung ra các gợi ý, khuyến nghị cho nhà đầu tư nhằm tạo tâm lý bán tháo trên thị trường, như thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, khi thị trường đang trong đà giảm từ 1500 xuống còn 1400 điểm, V-P-S đã khuyến nghị khách hàng sử dụng phái sinh làm công cụ phòng vệ chủ động khi thị trường cơ sở giảm điểm. Ngay những ngày sau đó, việc bán tháo đã diễn ra mạnh mẽ khi thị trường tiếp tục đi xuống từ 1400 về 1200 điểm. Vậy có hay không việc V-P-S đã định hướng nhà đầu tư (NĐT) góp thêm phần làm cho thị trường chứng khoán lao dốc?

Loại trừ hoàn toàn hành vi thao túng khỏi TTCK vẫn đang là điều khó khăn, vì vậy, nhận diện hành vi thao túng để ngăn cản và có chế tài xử lý “đội lái” phù hợp nhằm răn đe, hạn chế hành vi này là yêu cầu cấp bách đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý để đem lại công bằng cho tất cả các NĐT.
 

Bạn đang đọc bài viết "Thao túng thị trường có sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán “sân sau”?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).