Thời kỳ vàng của các 'kỳ lân' sắp tới hồi kết…
Mô hình kinh doanh của các 'kỳ lân' – ưu tiên tăng trưởng dựa trên nguồn vốn dồi dào – đã tới giới hạn, khi một số cái tên lớn đang gặp khó khăn khi đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt ở quy mô toàn cầu, theo Nikkei Asia.
Thuật ngữ 'kỳ lân' lần đầu tiên được Aileen Lee – một nhà đầu tư 'thiên thần' - sử dụng trong một bài báo vào năm 2013, ám chỉ các công ty khởi nghiệp (startup) được định giá hơn 1 tỉ USD.
Hồi tháng 8/2022, tại cuộc họp báo về kết quả tài chính của SoftBank Group, ông Masayoshi Son dự đoán rằng việc giá cổ phiếu của các công ty công nghệ đang niêm yết lao dốc sẽ dần dần ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chưa niêm yết. Hay nói cách khác, các 'kỳ lân' sẽ chứng kiến một 'mùa đông dài hơn'.
Không giống như các cổ phiếu đã niêm yết, với thị giá lên xuống thất thường trong giao dịch hàng ngày, các doanh nghiệp chưa niêm yết chỉ được tiết lộ mức định giá trong những dịp đặc biệt, kể như khi họ huy động vốn.
Theo ghi nhận của Nikkei Asia, giá trị định giá của các công ty mà SoftBank Group đầu tư đã bắt đầu giảm.
Klarna - công ty khởi nghiệp "mua ngay, trả sau" của Thụy Điển – có giá trị định giá thấp hơn tới 85% so với năm ngoái, trong đợt huy động vốn vào tháng 7/2022.
ByteDance – 'kỳ lân' sở hữu TikTok – dự tính mua lại cổ phần đã phát hành với mức định giá cả công ty ở mức 300 tỉ USD hoặc hơn, giảm tới 25% so với mức định giá công bố vào năm ngoái, theo Reuters.
Các nhà đầu tư phi truyền thống như SoftBank Group và Tiger Global Management bắt đầu tăng tốc đầu tư vào các 'startup' từ năm 2017, khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Đáng chú ý, họ đã chi một số tiền khổng lồ để nâng cao giá trị của các công ty trước khi thu hồi vốn đầu tư vào chúng.
Nhưng sau các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, lạm phát cao do cuộc chiến Nga – Ukraine, lập trường đầu tư của các nhà đầu tư phi truyền thống đã thay đổi.
Giá trị trung bình của các 'startup' đã huy động đến vòng thứ 5 (series E) đạt 2 tỉ USD trong giai đoạn từ tháng 1 – 6/2022, giảm từ mức 2,1 tỉ USD ghi nhận cùng kỳ năm 2021. Số lượng 'kỳ lân' mới cũng giảm dần.
"Nhà đầu tư ưu tiên cho chúng tôi tăng trưởng trong vài năm qua. Giờ đây, họ muốn thấy lợi nhuận", Giám đốc điều hành Klarna Sebastian Siemiatkowski cho biết. Với mục tiêu có lãi, công ty này đã cắt giảm 700 việc làm – tương đương 10% nhân sự - và có lập trường cứng rắn hơn về việc vay nợ.
Số lượng các 'startup' bị giảm giá trị định giá vẫn chiếm tỉ trọng tương đối thấp. Ở Mỹ, các 'startup' gặp phải tình trạng này chỉ chiếm ít hơn 10% trong số những doanh nghiệp đã huy động vốn từ tháng 4 – 6/2022, theo PitchBook – nhà cung cấp dữ liệu tại Mỹ.
Osuke Honda – thành viên hợp danh (general partners) của DCM Ventures, cho biết nguồn vốn dành cho các startup 'đang được bình thường hoá, vì họ đã được ưu ái trong vài năm qua'.
Tuy nhiên, sự suy giảm định giá của một 'startup' không chỉ làm giảm giá trị cổ phần của những nhà sáng lập, các cổ đông, mà còn ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của nhân viên (những người thường được thưởng bằng cổ phần).
Miguel Fernandez, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Mỹ Capchase, cảnh báo về làn sóng cắt giảm nhân sự, nói rằng các 'startup' khó duy trì mức định giá hiện tại nếu thị trường tiếp tục khó khăn.
Sau quá trình thanh lọc, chỉ những công ty mạnh mới có thể tồn tại. Nên nhớ, Facebook (nay là Meta) được thành lập ngay sau khi bong bóng dot-com vỡ vào đầu những năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 đã mở đường cho việc thành lập Airbnb.
Các 'startup' đã bắt đầu bước vào thời kỳ thử thách bản lĩnh của họ trong việc cân bằng tăng trưởng dài hạn và có lãi trong ngắn hạn./.