Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,21%, lên mức 79,46 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giao dịch mức 75,13 USD/thùng.
Để thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ đưa ra các chính sách để khôi phục và mở rộng tiêu dùng. Động thái này có thể thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Bên cạnh đó, giá dầu đi lên còn do các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung dầu thô của Mỹ thắt chặt.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tính đến ngày 14.7, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 708.000 thùng, xuống 457,4 triệu thùng, thấp hơn so với kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm 1,1 triệu thùng.
Cùng với đó, việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng hỗ trợ giá dầu.
Nga dự kiến sẽ giảm xuất khẩu 2,1 triệu tấn dầu trong quý III năm nay. Điều này phù hợp với kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 500.000 thùng/ngày vào tháng 8 của nước này.
Trước đó, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng 0,2%, thấp hơn so với dự báo tăng 0,5% của các nhà kinh tế. Điều này càng củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất sau lần tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Bên cạnh đó, ông Klaas Knot - thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng sẽ xem xét kỹ các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt trong những tháng tới để tránh tăng lãi suất quá mức.
Trong nước, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 21.7 của liên Bộ Tài chính - Công thương. Theo một số doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ trong nước, giá xăng có thể tăng mạnh 700 – 1.000 đồng/lít, giá dầu tăng trong khoảng 400-600 đồng/lít (kg). Trong trường hợp liên Bộ trích Quỹ Bình ổn giá, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh tăng cao hơn.