Liên quan đến việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (sinh năm 1985, CEO Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (sinh năm 1995, Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (sinh năm 1992, Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng 17 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và "rửa tiền".
CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, hoạt động lừa đảo của một số cá nhân trong Công ty địa ốc Alibaba diễn ra ngang nhiên, công khai trong một thời gian rất dài ở nhiều địa phương.
"Với thủ đoạn tinh vi, phương thức lừa đảo theo mô hình đa cấp đã khiến nhiều nhà đầu tư sập bẫy, trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng này. Việc khởi tố Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm là sự việc được rất nhiều chuyên gia và chính quyền các địa phương có "dự án ma" cảnh báo từ rất lâu. Sau quá trình điều tra vụ án, đến nay cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố đối với Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm là hoàn toàn đúng quy định" - tiến sĩ Cường nói.
Theo vị luật sư, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Với số tiền chiếm đoạt của nhiều người, hàng ngàn tỷ đồng như vậy thì các đối tượng trong vụ án này có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
"Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, hưởng lợi lớn, có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật, có thể bị áp dụng hình phạt ở mức thấp của khung hoặc chuyển sang khung hình phạt khác nhẹ hơn" - vị luật sư thông tin.
Luật sư Cường cho biết thêm, rửa tiền là hành vi phạm tội được quy định tại điều 324, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, đây là hành vi của các tổ chức, cá nhân tìm cách chuyển đổi, hợp pháp hóa các khoản lợi hoặc tài sản bất chính không rõ nguồn gốc, hoặc do hành vi phạm tội hoặc tham nhũng có được để nó trở thành tài sản hợp pháp.
"Theo quy định của pháp luật thì người phạm tội rửa tiền có thể đối mặt với hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Tòa án cũng xét nhiều trường hợp, trong đó, nếu các đối tượng biết rõ số tiền mà các bị can chiếm đoạt được là do phạm tội mà có nhưng vẫn sử dụng tiền đó vào mục đích kinh doanh hoặc chuyển hóa thành các loại tài sản khác để che giấu nguồn gốc tài sản bất minh thì có thể bị xử lý rất nặng.
Trường hợp đối tượng phạm nhiều tội thì tòa án sẽ xem xét đối với từng tội. Trường hợp tòa án kết tội ở nhiều tội danh thì sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt của các tội danh đều là tù có thời hạn thì tổng mức hình phạt không quá 30 năm tù" - Luật sư Cường chia sẻ.