Chiều 19/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, TP.HCM là đô thị đông dân với hơn 10 triệu người, là thành phố dịch vụ nên số người sinh sống thường xuyên làm ăn trên địa bàn rất lớn.
3 lý do chính khiến người dân ra đường đông hơn là do có thêm đối tượng được phép ra đường để đảm bảo duy trì nhu cầu cuộc sống cơ bản, các tuyến đường nhánh bị chặn để thuận tiện cho công tác kiểm soát, và người dân đi tiêm vaccine Covid-19...
Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều quy định hạn chế dân ra đường khi không cần thiết, nhưng người dân ra đường vẫn đông. Theo thống kê của Công an TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 1,2 triệu người ra đường; lực lượng chức năng kiểm soát 200.000 phương tiện mỗi ngày, trong đó có 100.000 phương tiện cá nhân, xử phạt 1.500 trường hợp, buộc quay đầu 3.200 trường hợp. Tỉ lệ vi phạm dưới 1,5%.
Về lý do dân ra đường đông hơn, ông Đức chỉ ra 3 nguyên nhân, trong đó ông nhấn mạnh đến một số hoạt động trước đây cấm nhưng từ 16/8, thành phố bắt buộc phải cho phép hoạt động trở lại để đảm bảo duy trì nhu cầu cuộc sống cơ bản như dịch vụ bảo trì, hạ tầng kỹ thuật tòa nhà chung cư, máy lạnh, thoát nước, cấp thoát nước…
Nguyên nhân thứ 2 là các địa phương rào chắn lại các tuyến đường nhánh và chỉ duy trì các tuyến đường chính để thuận tiện cho công tác kiểm soát.
Ông Đức cho biết bản thân ông đi về cũng phải đi đường vòng, mất thêm 10 - 15 phút so với trước đây. “Tôi đi về nhà sáng đi một đường, chiều về có lúc phải đi lòng vòng mới tìm được lộ trình. Phần lớn người dân chỉ đi được một số trục đường chính còn đường nhánh đều chặn. Tức là, quy mô người ra đường vẫn vậy nhưng số đường đi ít hơn nên có cảm giác đông hơn”.
TP.HCM sẽ rà soát lại 17 đối tượng đang được cho phép ra đường trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ, từ đó những đối tượng không thật sự cấp thiết thì sẽ hạn chế trong thời gian tới.
Nguyên nhân thứ 3 là thời gian qua, khá đông người ra đường để đi tiêm vaccine. Trung bình mỗi ngày có 200.000 người đi tiêm, cao điểm lên đến 300.000. “Nếu người tiêm vaccine đảm bảo thực hiện nghiêm quy định cũng không tạo ra nguy cơ lớn vì người dân chỉ đi đường, không tiếp xúc”, ông Đức nói.
Còn nguy cơ, ông Đức cho rằng chủ yếu xuất hiện tại các chốt kiểm soát do ùn tắc cục bộ. “Việc này, sáng nay Công an TP.HCM cùng các lực lượng đã họp rất nghiêm túc, nghiên cứu kỹ, rà soát lại trong 17 đối tượng hiện đang được cho phép ra đường trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối. Nếu trường hợp nào không cần thiết thì sẽ hạn chế ra đường để thực hiện nghiêm mục tiêu giãn cách”, ông Đức nói.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản số 2718 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 trong một tháng, từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Theo văn bản này, TP.HCM cho phép thêm các nhóm đối tượng được hoạt động, gồm: các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, toà nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân.
Cùng với đó là nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận huyện, và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc và có các đặc điểm nhận diện; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm.
Đối với khung giờ từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, UBND TP.HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn thành phố tiếp tục hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động, trừ các trường hợp sau:
- Đi tiêm vaccine, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ chống dịch.
- Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi.
- Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng, trang thiết bị y tế, vaccine.
- Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế như bình ôxy cho người nhiễm Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà, các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
- Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo.
- Dịch vụ vận chuyển bưu chính và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật).
- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
- Các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố…