Kết thúc phiên 30/7, giá dầu Brent tương lai tăng 31 cent, tương đương 0,4%, lên 74,1 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 16 cent, tương đương 0,2%, lên 72,07 USD/thùng.
Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 0,7%, giá dầu WTI tăng 0,4%. Đây là tuần tăng đầu tiên của Brent sau 3 tuần giảm, của WTI sau 2 tuần giảm.
Giá dầu hôm 19/7 giảm hơn 7% sau thông tin OPEC cùng đồng minh nhất trí tăng sản lượng 2 triệu thùng từ tháng 8 đến hết năm, đồng nghĩa mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Đợt tăng sản lượng đáng kể nhất đầu tiên của OPEC+ từ sau khi cắt giảm kỷ lục 10 triệu thùng/ngày hồi tháng 4/2020 còn ảnh hưởng đến Phố Wall cùng nhiều loại tài sản rủi ro khác.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/7 tăng 2,1 triệu thùng lên 439,7 triệu thùng, tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 5, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trái ngược dự báo giảm 4,5 triệu thùng từ giới phân tích.
Tồn kho xăng và sản phẩm tinh chế lần lượt giảm 121.000 thùng và 1,3 triệu thùng.
“Tồn kho dầu tăng rõ ràng là điều bất ngờ, do nhập khẩu tăng còn xuất khẩu giảm”, John Kilduff, nhà phân tích tại Again Capital, New York, nói. “Khía cạnh tích cực duy nhất của báo cáo tồn kho là về xăng và sản phẩm tinh chế”.
JPMorgan dự báo lực cầu toàn cầu trung bình 99,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tăng 5,4 triệu thùng/ngày so với tháng 4.
“Chúng ta cần nhận thấy lực cầu dầu đang được níu giữ bởi một thứ: xăng tại Mỹ”, Kilduff bổ sung. “Nếu xăng, vì một lý do nào đó, không được như kỳ vọng, giá dầu sẽ gặp rắc rối thực sự”.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 7 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan dầu và khí lên 491, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng thêm 7 lên 387. Số giàn khoan khí và dự phòng lần lượt là 104 và 0.
Ảnh: Reuters. |
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 27/7
Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 28/7
EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.
Ngày 30/7
Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 23/7 giảm do USD tăng giá, Phố Wall diễn biến tích cực khiến nhu cầu tài sản an toàn đi xuống. Giá vàng giao ngay tại sàn New York giảm 4,7 USD xuống 1.802,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,2% xuống 1.801,8 USD/ounce.
Chốt tuần, giá vàng tương lai giảm 0,8%, sau khi tăng 2,6% trong 4 tuần trước đó.
Thị trường vàng tiếp tục có thêm một tuần khó đoán do Fed sẽ họp chính sách tiền tệ trong hai ngày 27 – 28/7.
Giá vàng bắt đầu giai đoạn khó khăn từ tháng 8/2020, khi rời đỉnh lịch sử trên 2.000 USD/ounce rồi tiếp tục lao dốc với thông tin xuất hiện vaccine Covid-19 hiệu quả đầu tiên vào tháng 11/2020, có lúc về gần đáy 11 tháng, dưới 1.674 USD/ounce. Thị trường kim loại quý phục hồi về quanh 1.800 USD/ounce vì thông tin Fed có thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ hơn dự kiến.
Vàng đang cố giữ trên vùng 1.800 USD/ounce nhưng một đợt bán tháo có thể xảy ra nếu USD tăng giá.
Một trong những vùng hỗ trợ quan trọng cần theo dõi là 1.790 – 1.797 USD/ounce, theo Chris Weston, giám đốc nghiên cứu tại Pepperstone. “Fed khả năng cao không có thông báo gây sốc thị trường”.