Trung tâm thương mại: Thưa khách, hoạt động cầm chừng

27/03/2023 09:05

Một số trung tâm thương mại (TTTM) từng được xem là biểu tượng cho sự phát triển của TPHCM hiện nay hoạt động cầm chừng. Thậm chí, một vài nơi phải rơi vào cảnh “cửa đóng then cài”.

bitexco-1679881489.jpg Lác đác khách tại tòa nhà Bitexco Financial Tower (quận 1, TPHCM)

Đìu hiu trên “đất vàng”

Ghi nhận những ngày cuối tháng 3, tòa nhà Bitexco Financial Tower (số 2 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, một vị trị đắc địa tại trung tâm thành phố), một thời là điểm đến không thể thiếu của du khách nhưng nay rất vắng vẻ. Phần lớn các cửa hàng thời trang, ẩm thực, rạp chiếu phim… hoạt động nhộn nhịp trước đây đều đã đóng cửa. Theo thông báo của ban quản lý tòa nhà, các tầng thuộc TTTM cũng như dịch vụ Icon 68 đã trả mặt bằng vì tòa nhà có kế hoạch cải tạo, nâng cấp một số hạng mục.

Cách tòa nhà này không xa, TTTM Parkson Saigontourist Plaza (góc đường Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn, quận 1) khai trương trở lại vào giữa năm 2020 sau thời gian tu sửa với kỳ vọng thỏa mãn trải nghiệm mua sắm của khách hàng, với đủ thương hiệu từ bình dân đến xa xỉ, nhưng nay cũng lác đác khách mua. Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa, thuộc tuyến đường sầm uất bậc nhất TPHCM, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện chỉ có một vài thương hiệu như Uniqlo, Muji… là thu hút khách. Riêng khu vực tầng trệt Parkson Saigontourist Plaza còn vắng vẻ hơn. Tương tự, tại Vincom Center Đồng Khởi (Lê Thánh Tôn, quận 1), chỉ các gian hàng ẩm thực, vui chơi, thời trang khuyến mãi sâu từ 40%-50%… mới thực sự có khách. Với hệ thống Vincom Plaza Quang Trung, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), lượng khách đến mua sắm cũng khá thưa thớt.

Nằm trên góc đường Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch (đối diện nhà thờ Đức Bà, quận 1), TTTM Diamond Plaza cũng không khá hơn khi lượng khách đến mua sắm ít ỏi so với trước thời điểm dịch Covid-19. Còn tại NowZone (Nguyễn Văn Cừ, quận 1), trừ một số cửa hàng cà phê nằm mặt tiền TTTM, phía bên trong là các gian hàng bán giày dép, quần áo… thưa vắng khách mua. Chị N.L., nhân viên bán quần áo thời trang tại một cửa hàng ở đây, cho biết: “Khách đến đông vào các dịp nghỉ lễ hoặc có khuyến mãi nhiều. Mỗi ngày, cửa hàng đón vài chục khách, nhưng chỉ có vài người mua”.

Không chỉ các TTTM ở quận 1, nhiều trung tâm khác như Vạn Hạnh Mall (quận 10), An Đông Plaza (quận 5), Crescent Mall (quận 7)… khách mua cũng không nhiều. Rảo một vòng quanh các TTTM nói trên dễ bắt gặp cảnh nhân viên bán hàng “đốt thời gian” bằng cách bấm điện thoại, chơi điện tử… chờ khách đến.

Bắt nhịp để thích nghi

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng thị trường đã đổi thay rõ rệt, nhưng để thích nghi không phải dễ. Bởi theo các doanh nghiệp, sự chuyển bộ này cần có thời gian cũng như nguồn lực đủ mạnh.

Parkson là một ví dụ, khi đây là thành viên của tập đoàn quốc tế Lion Group thành lập năm 1930 tại Malaysia. Mặc dù có kinh nghiệm điều hành khoảng 100 TTTM ở khắp các nước như Malaysia, Trung Quốc, Indonesia… nhưng Parkson vẫn “trầy trật” khi đến Việt Nam. Bằng chứng, trước đó, một loạt TTTM thuộc hệ thống liên tiếp đóng cửa: Parkson Paragon (quận 7) đóng cửa giữa năm 2016; Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành (quận 11) và Parkson Cantavil (quận 2) cũng đóng cửa sau đó không lâu; Parkson CT Plaza (quận Tân Bình) đã ngưng hoạt động. Và hiện giờ, tại TPHCM còn Parkson Hùng Vương (quận 5) đang được sửa chữa, chỉnh trang và Parkson Saigontourist Plaza (quận 1) đang hoạt động.

Theo đại diện Ban quản lý Bitexco Financial Tower, để thích nghi xu hướng, bắt đầu từ quý 1-2023, nhà đầu tư tiến hành nâng cấp tòa nhà, định vị phân khúc khách hàng riêng, mang lại những trải nghiệm mới mẻ, hút khách đến, khác với cách làm trước đây. Lý do, khách hàng có yêu cầu ngày càng cao về trải nghiệm mua sắm nên ban lãnh đạo đã mời kiến trúc sư nổi tiếng Carlos Zapata (người thiết kế tòa tháp) nghiên cứu, lên kế hoạch cải tạo. Trong đó, đài quan sát Saigon Skydeck sẽ được nâng cấp, nhằm đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị. Trong kế hoạch tái định vị, những nhà hàng sang trọng sẽ được mở cửa tại đây. Việc kinh doanh không nhắm vào diện rộng mà tập trung chuyên sâu vào một số lĩnh vực để gia tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tiếp tục vị thế là tòa nhà văn phòng cao cấp, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về thực trạng các TTTM vắng khách, ông Lê Đình Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công thương TPHCM, thừa nhận có tình trạng này, nhưng không trầm trọng. Ông Hiếu lý giải, hiện nay tình hình kinh tế các nước đều gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam. Người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn, ưu tiên tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu. Hiện tại là giai đoạn thấp điểm tiêu dùng làm cho sức mua bị ảnh hưởng, tình trạng vắng vẻ nhìn chung không quá tiêu cực.

Một góc nhìn khác, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, nhận định, nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng, kể cả người giàu có, hiện rất cân nhắc khi mua hàng. Bên cạnh đó, chúng ta phải thừa nhận sự thật là cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội… đã khiến TTTM bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu không chủ động thay đổi, bắt nhịp để thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới thì các TTTM sẽ dễ bị đào thải. “Chỉ khoảng 1/10 dân số có tiền mua hàng cao cấp, còn lại mua hàng trung bình. Các TTTM có sự kết hợp linh hoạt giữa mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực cao cấp và bình dân sẽ đủ sức tiếp tục thu hút khách đến”, TS Trần Quang Thắng gợi mở.

Giảm quy mô cửa hàng, tăng quảng cáo trực tuyến

Chị Hồng Đào, chủ một cửa hàng bán rau củ quả và đặc sản Đà Lạt trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), chia sẻ, hiện nay, thay vì mua sắm theo phương thức truyền thống, nhiều người lựa chọn mua hàng trên các trang thương mại điện tử. Ở thời điểm cuối tháng 3 này, chị chỉ giữ lại một cửa hàng để làm nơi trưng bày sản phẩm, các chi nhánh khác đã hoàn trả để cắt giảm chi phí mặt bằng; cửa hàng chuyển sang mô hình kinh doanh trực tuyến nên thay vì trả tiền mặt bằng, nay thuê thêm shipper và chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội.

Phân tích từ Tập đoàn Savills Việt Nam cho thấy, do bùng nổ thương mại điện tử, các doanh nghiệp đang chú trọng vào phương thức bán hàng trực tuyến và giảm quy mô cửa hàng vật lý. Dẫn đầu xu hướng này là các doanh nghiệp thuộc ngành ẩm thực, đồ uống đã đóng cửa hàng loạt cửa hàng ở khu vực trung tâm TPHCM. Dữ liệu từ nền tảng công nghệ bất động sản Nhà tốt (Nhatot.com) cũng cho thấy, số lượng tin đăng cho thuê mặt bằng kinh doanh ở tất cả các quận tại TPHCM tăng nhanh trong tháng 2 vừa qua, lên hơn 300% so với tháng 1-2023 và tăng 150% so với thời điểm quý 4-2022.

Đức Trung

Bạn đang đọc bài viết "Trung tâm thương mại: Thưa khách, hoạt động cầm chừng" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).