Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phạm Ngọc Thưởng đã ký văn bản 611/KL-BGDĐT, về kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Thu hồi số tiền hơn 11 tỷ đồng sử dụng không đúng mục đích
Theo kết luận thanh tra này, việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp trong năm 2014 cho trường có nhiều thiếu sót.
Cụ thể: Trường đã thực hiện việc rút dự toán hơn 8,5 tỷ đồng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao theo Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 23/1/2014 và 14,8 tỷ đồng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao theo Quyết định 5731/QĐ-BGDĐT ngày 14/12/2014 không đúng với quy định tại điều 9, Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Việc quyết toán 23,314 tỷ đồng cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường trong năm 2014, là không tuân thủ đúng các quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Luật Ngân sách Nhà nước, dẫn đến phải thu hồi số tiền sử dụng không đúng mục đích là 11,04 tỷ đồng.
Việc thu, quản lý, sử dụng tiền mở lớp ôn tập thi cao học, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: website nhà trường)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận, trường chưa có văn bản quy định cụ thể quy trình thực hiện việc mở các lớp, dẫn đến tình trạng cách thức thực hiện, quản lý không thống nhất. Phòng Đào tạo phát hành văn bản mở các lớp đào tạo, ký các biên bản thỏa thuận, hợp đồng không lấy số, đóng dấu của trường là không đúng với quy định.
Phòng Đào tạo còn tổ chức thu nhiều khoản tiền khác như ôn thi cao học, thi sát hạch tiếng Anh, lệ phí tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ…là không đúng với quy định.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các sai phạm này?
Là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện tự chủ, trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tự chủ còn chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, có nhiều thay đổi…thì ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, quy định của trường trong quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế.
Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm của những sai sót này thuộc về những lãnh đạo của nhà trường tại thời điểm đó là ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng, ông Lê Hiểu Giang và bà Trương Thị Hiền (đều là các phó hiệu trưởng).
Ông Dũng với vai trò là hiệu trưởng ở thời điểm đó (nay ông Dũng đã nghỉ hưu) chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu, chủ tài khoản trong quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí không đúng quy định.
Ông Lê Hiếu Giang và bà Trương Thị Hiền đều với vai trò là phó hiệu trưởng nhà trường là người ký các văn bản kê chứng từ thanh toán, danh sách chi trả tiền miễn giảm học phí không đúng với quy định.
Với vai trò là đơn vị giao dự án, xem xét duyệt quyết toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Kế hoạch Tài chính chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, giao dự toán kinh phí cấp bù học phí sinh viên sư phạm, cấp bù tiền miễn giảm học phí năm 2014.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị nhà trường phải nộp lại vào ngân sách số tiền 11,4 tỷ đồng khoản kinh phí rút dự toán, quản lý và sử dụng không đúng với quy định.
Nhà trường phải chấm dứt việc cho phép học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn được chuyển điểm, miễn học môn học đã học trong chương trình này khi học Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ của trường.
Đồng thời, trường phải chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, quản lý đào tạo, phát hành các văn bản hành chính, tổ chức xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan.