Truyền thông tài chính: Chiều sâu và góc nhìn độc lập

21/06/2022 09:10

Các hoạt động đầu tư tài chính hiện tại chịu ảnh hưởng và có sự nhạy cảm rất lớn với thông tin, nhất là trong bối cảnh số lượng các kênh truyền thông tài chính - kinh doanh phi chính thống tăng nhanh.

Truyền thông tài chính - nhiễu loạn là mất tiền

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, truyền thông tài chính đã nâng tầm lên một cấp độ mới khi tham gia vào nhiều khâu nội dung, nâng cao giá trị thương hiệu và cả giá trị của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược phát triển, chiến lược kinh doanh và kế hoạch huy động vốn từ các nhà đầu tư.

Ở góc độ khác, truyền thông tài chính có vai trò quan trọng trong quá trình tương tác, nắm bắt thông tin từ thực tế để cơ quan quản lý có căn cứ đánh giá, ban hành chính sách cũng như đảm bảo tính minh bạch, công khai trong công tác lập pháp.

Với sự phát triển của Internet, phương thức truyền thông ngày nay đã chuyển sang hướng số hóa, đặc biệt với truyền thông tài chính. Sự mở rộng của hoạt động thông tin truyền thông qua các nền tảng công nghệ mới hay các mạng xã hội có tác động không nhỏ đến nhận thức, tâm lý của công chúng đầu tư, qua đó tác động đến thị trường.

Câu chuyện về đợt bán tháo trên diện rộng của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5/2022 là một ví dụ phản ánh rõ nét sự ảnh hưởng của thông tin lên diễn biến thị trường.

Thời gian qua, truyền thông tài chính lan tỏa sức nóng trên quy mô rộng, trải đều các khía cạnh với tần suất cao.

Ban đầu là thông tin khởi tố một số lãnh đạo doanh nghiệp, tiếp đến là những ý kiến, quan điểm về việc lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản có rủi ro cao đối với hoạt động ngân hàng cần có giải pháp kiểm soát tín dụng, siết hoạt động phát hành trái phiếu. Sau đó, thông tin về hoạt động thanh kiểm tra các hồ sơ tín dụng bất động sản với khoản nợ xấu 37.000 tỷ đồng xuất hiện.

Các thông tin này ngập tràn trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội đã gây ra tâm lý lo ngại thị trường bất động sản sẽ thoái trào, dẫn tới hiệu ứng bán tháo trên diện rộng với các cổ phiếu địa ốc - nhóm ngành có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán, từ đó kéo theo sự đi xuống của một loạt cổ phiếu ở các nhóm ngành khác có liên quan. Diễn biến lao dốc của giá cổ phiếu khiến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bị “sốc”, bởi hoạt động kinh doanh vẫn tốt, tình hình tài chính ổn định, không có nợ xấu...

Đáng lưu ý, hệ quả trên có một phần nguyên nhân là do sự giải thích chưa thấu đáo, hoặc chưa hiểu rõ vấn đề của người đưa tin nên chưa làm rõ được thông điệp truyền thông của cơ quan quản lý, gây ra những hiểu lầm và làm gia tăng tâm lý lo ngại trong giới đầu tư.

Trong đó, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên thị trường bất động sản phổ biến hơn rất nhiều so với thông tin về thị trường chứng khoán. Tại chương trình Talkshow “Đầu tư bất động sản thời giá lên” do Báo Đầu tư tổ chức tháng 5/2022, ông Đinh Quang Tuấn, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Đất Xanh Miền Bắc nhận xét, nơi mập mờ nhất lại là nơi sốt đất nhiều nhất.

Thị trường bất động sản trong giai đoạn vừa qua hứng chịu những cú “sốc” đến từ việc siết tín dụng, siết trái phiếu và động thái siết phân lô, bán nền ở các địa phương, nhưng theo các thành viên thị trường, đa phần đến từ việc tâm lý nhà đầu tư trở nên bối rối khi không phân định được rõ xu hướng tiếp theo của thị trường trong bối cảnh quan điểm của các nhà điều hành được thể hiện mỗi nơi một kiểu trên truyền thông và “rối như tơ vò”.

Ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia kinh tế tại các hội thảo gần đây cho thấy, thông tin truyền thông tài chính hiện nay bùng nổ, nhưng trong đó có không ít “hạt sạn” như thông tin cung cấp một chiều, thiếu chính xác, chậm cập nhật, thiếu bình luận, phản biện, dự báo thái quá hoặc không đủ cơ sở...

Thị trường càng lớn, truyền thông chính thống càng quan trọng

Khi thị trường tài chính ngày càng lớn và có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, vai trò của truyền thông chính thống càng trở nên quan trọng, giúp các thành viên thị trường tiếp cận thông tin chính xác, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các kênh phi chính thống, đồng thời góp phần nâng cao khả năng phòng ngừa, phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý các nguy cơ về mất an toàn thông tin.

Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch TNT Group cho rằng, nếu coi những con số tài chính trên các báo cáo là thông tin thì những người làm truyền thông tài chính phải chịu trách nhiệm diễn giải các thông tin đó một cách đầy đủ, khoa học, nhưng cũng dễ hiểu để người đọc tiếp nhận và hiểu rõ hơn vấn đề. Chỉ có những thông tin hợp lý với đa dạng các góc nhìn, nhận định, ý kiến ở các chủ thể có liên quan mới mang lại giá trị đầy đủ cho việc ra quyết định của cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, các kênh đầu tư tài chính hiện tại chịu ảnh hưởng và có sự nhạy cảm rất lớn với các thông tin về truyền thông. Do vậy, sự méo mó về thông tin hoặc sự lạm dụng thông tin, làm giả thông tin, thao túng thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Khi đó, truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong sự ổn định của thị trường, đặc biệt là các kênh truyền thông chính thống trong tác động đến nhận thức của công chúng đầu tư, từ nhận thức sẽ dẫn đến hành động, ứng xử, đến hình thành niềm tin, thậm chí định hướng dư luận và các hành vi xã hội.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, truyền thông chính thống, bao gồm các tòa soạn báo chí, các website thông tin, phân tích chuyên môn có đăng ký đã và đang trở thành nguồn tham khảo khách quan, tin cậy. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng các kênh truyền thông tài chính - kinh doanh phi chính thống tăng rất nhanh, có ảnh hưởng không nhỏ trong việc định hình tâm lý và tác động vào hành vi của công chúng đầu tư. Chưa bao giờ, sức nóng truyền thông tài chính trên quy mô rộng, trải đều trên mọi khía cạnh với tần suất cao như trong 2 năm gần đây.

Tuy nhiên, các đơn vị báo chí, truyền thông cần đồng hành mạnh mẽ với các doanh nghiệp bằng việc thiết lập những hình thức truyền tải thông tin hấp dẫn hơn, qua đó vừa phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật liên quan tới lĩnh vực kinh tế - tài chính, vừa phản ánh tình hình thị trường, phản ánh kiến nghị, nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng đến cơ quan quản lý.

“Truyền thông chuẩn mực và kịp thời sẽ góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp, giúp cho việc phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả hơn, hỗ trợ phát hiện các hành vi tiêu cực, phạm pháp, gian lận trên thị trường, làm tăng tính an toàn, hiệu quả của hoạt động đầu tư”, ông Hà nói.

Bạn đang đọc bài viết "Truyền thông tài chính: Chiều sâu và góc nhìn độc lập" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).