TTCK Việt Nam có thể bị điều chỉnh mạnh khi Fed tiếp tục tăng lãi suất
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam Quý 2/2022, CTCP Chứng khoán KB (KBSV) nhận định xu hướng đi ngang của thị trường sẽ tiếp tục kéo dài với các nhịp tăng/giảm đan xen khi các yếu tố rủi ro và thuận lợi đang dần định hình.
Về tổng thể, KBSV thận trọng với diễn biến thị trường trong quý 2 khi các yếu tố rủi ro có phần chiếm ưu thế, song vẫn duy trì đánh giá các nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu kỳ vọng sự khởi sắc của thị trường trong nửa sau 2022.
Theo KBSV, việc Fed bắt đầu quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ sau hơn 2 năm nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế là một trong những yếu tố có tác động lớn đến thị trường chứng khoán thế giới cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong kịch bản lạc quan, dữ liệu thống kê quá khứ cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm 4/5 lần trong 1 năm sau lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed với mức tăng trung bình 12%. KBSV cho rằng, nhiều khả năng đợt nâng lãi suất này cũng không ngoại lệ.
“Điều này có thể được lý giải bởi môi trường kinh tế Mỹ thường trên đà tăng trưởng mạnh tại thời điểm Fed nâng lãi suất. Theo đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đủ để bù đắp các tác động tiêu cực từ việc lãi suất tăng”, KBSV kỳ vọng.
Trong kịch bản thận trọng, KBSV lo ngại việc Fed nâng lãi suất quá dồn dập để đối phó với lạm phát cao kỷ lục có thể khiến xu hướng phục hồi của nền kinh tế bị đảo chiều và bước vào thời kỳ suy thoái.
Trong quá khứ, mỗi khi đường lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm chạm trendline giảm dài hạn, chỉ số S&P 500 thường có xu hướng điều chỉnh sau đó do các lo ngại về tăng trưởng kinh tế. Giữa quý 1/2022, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã trải qua một nhịp điều chỉnh 10% từ vùng đỉnh ngắn hạn khi lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vượt mức 1,9%.
Hiện tại đường lợi suất trái phiếu 10 năm vẫn tiếp tục tăng do tín hiệu về việc nâng lãi suất mạnh tay của Fed trong thời gian tới. KBSV nhận định thị trường có thể đối mặt với rủi ro bước vào một nhịp điều chỉnh mạnh khi lãi suất được nâng lên tiệm cận vùng 2,8-3%.
Đánh giá tác động trực tiếp đến kinh tế và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua biến động về tỉ giá, theo KBSV, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trong quá khứ thường khiến đồng USD mạnh lên, khiến cho đồng nội tệ các quốc gia mới nổi mất giá, kéo theo dòng vốn đầu tư bị rút ròng và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài gia tăng.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang ở 1 vị thế thuận lợi hơn nhiều để đổi phó với áp lực từ đồng USD mạnh lên nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ FDI, và kiều hối, trong khi tình trạng nhập siêu tháng 2 dự kiến sớm đảo chiều do doanh nghiệp hiện đang tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ các kế hoạch kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối trong nước cũng đang ở mức tương đối an toàn. Trên thực tế, bất chấp diễn biến mạnh lên của đồng USD từ giữa 2021 cho đến nay, tỉ giá trong nước vẫn đang diễn biến tương đối ổn định và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.
“Việc đồng USD tăng mạnh thời gian qua đã phần nào phản ánh kỳ vọng chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và biến động trong thời gian tới được dự báo sẽ cân bằng hơn, kết hợp với các điều kiện vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, rủi ro tỉ giá tăng mạnh (lớn hơn 2%) từ nay đến cuối năm không được đánh giá cao, qua đó các tác động của sự kiện này đến tình hình vĩ mô cũng như dòng vốn vào thị trường chứng khoán là tương đối hạn chế”, KBSV nhận định.
Qua 2 góc độ đánh giá gián tiếp và trực tiếp, KBSV cho rằng tác động của việc Fed nâng lãi suất đến thị trường chứng khoán Việt Nam là không đáng kể, trừ khi điều này tác động khiến kinh tế Mỹ suy thoái và thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm./.