1 trong 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng "đất vàng"
Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang kiểm tra 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội. Được biết, trong danh sách 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội có dự án Dự án Goldsilk Complex tại địa chỉ số 430 Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Đây là 01 tổ hợp thương mại và nhà ở, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 1,9 ha, gồm 2 tòa nhà tháp cao 32 tầng và 01 tầng hầm với 750 căn hộ, khu thấp tầng, khu nhà trẻ trường học 2.000 m2.
Khởi công vào quý I/2015, hoàn thành quý II/2017, Dự án Goldsilk Complex do Công ty CP Bất động sản HANOVID làm chủ đầu tư; Công ty CP Đầu tư phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý và phát triển dự án và Công ty CP Xây dựng Conteccons là tổng thầu thi công.
Khu thấp tầng rộng 4.732 m2, có 47 căn nhà phố thương mại có diện tích từ 82–82,5 m2 có kết cấu 1 tầng trệt và 4 tầng phía trên. Mặt tiền ở tầng trệt dùng để mở cửa hàng hoặc văn phòng kinh doanh, trong khi các tầng trên được sử dụng làm không gian sinh hoạt của gia đình, vừa riêng tư biệt lập lại rất thuận lợi để điều hành công việc kinh doanh.
Khu chung cư cao tầng được xây trên tổng diện tích 19.594 m2, tổng mức đầu tư là 1.180 tỷ đồng, mật độ xây dựng đế 58%, gồm 2 tòa tháp Jasmine và Tulip. Từ tầng 1–4 sử dụng làm diện tích thương mại, đỗ xe ô tô, dịch vụ tiện ích. Từ tầng 5–32 là tầng căn hộ chung cư và 1 tầng tum kỹ thuật mái. Các căn hộ tại đây có diện tích linh hoạt từ 60-120 m2 được bố trí từ 1–4 phòng ngủ.
Tại đây có đầy đủ các tiện ích phục vụ cư dân với khu vực hồ bơi trên cao độc đáo, khu vui chơi mua sắm, trung tâm thương mại, khu nhà hàng sang trọng, phòng khám đa khoa hiện đại, phòng tập gym, spa,...
Goldsilk Complexđược kết nối hợp lý và thuận tiện với nhiều tuyến đường lớn: Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi; nằm trên cửa ngõ chính kết nối ra sân bay Nội Bài và khu trung tâm TP.Hà Nội; Gần tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tiếp giáp với địa danh nổi tiếng - Làng lụa Vạn Phúc với trên 1.000 năm tuổi.
Chủ đầu tư dự án Goldsilk Complex là Công ty CP Bất động sản Hanovid có địa chỉ ở Số 430, Cầu Am, Phường Vạn Phúc, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Công ty cổ phần bất động sản Hanovid được thành lập năm 2010, với tiền thân là 3 doanh nghiệp: Công ty CP Dệt Hà Đông, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam.
Có thể nhận thấy trong liên minh chủ đầu tư dự án Goldsilk Complex là Công ty cổ phần bất động sản Hanovid thì trong đó có 2 doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong ngành dệt may và doanh nghiệp còn lại chỉ là đầu tư tài chính. Vì vậy đánh giá về năng lực và khả năng thực hiện các dự án quy mô bất động sản lớn, liên doanh Công ty cổ phần bất động sản Hanovid chỉ xếp hạng tín nhiệm trung bình. Chính lý do này đã thúc đẩy liên minh này kết hợp với Công ty Cổ Phần Bất động sản TNR holding Việt Nam là đơn vị chuyên nghiệp để thực hiện dự án Goldsilk Complex tại 430 Vạn Phúc – Hà Đông.
Sai phạm trong xác định giá tiền sử dụng đất tại dự án TNR GoldSilk Complex
Trước đó, vào 10/2018, Báo Dân Việt đưa tin, Thanh tra Chính phủ chỉ ra trách nhiệm đối với sai phạm trên tại dự án TNR GoldSilk Complex 430 Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) thuộc UBND TP.Hà Nội, Sở Tài nguyên và môi trường và Hội đồng thẩm định giá TP.
Cụ thể, kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án TNR GoldSilk Complex cho biết, tiền sử dụng đất phải nộp là 228,059 tỷ đồng. Tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách 206,652 tỷ đồng, số tiền còn lại là 21,406 tỷ đồng, chủ đầu tư đã nộp đủ (ngày 16.6.2017) sau khi kết thúc thanh tra.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ còn nêu rõ, Sở Tài Nguyên và Môi trường trình UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất dự án tại quyết định số 945/QĐ-UBND ngày 25/02/2016, đã không loại khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư, và đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm từ khu xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nói về vấn đề kẽ hở khi chuyển đổi đất vàng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã từ cho rằng: “Đã có hàng triệu tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát do cung cách quản lý đất công còn nhiều bất cập và kẽ hở trong thời gian vừa qua. Tôi đã từng đề cập nhiều lần về câu chuyện hóa giá bán chỉ định đất công làm mất hàng triệu tỷ đồng, hay câu chuyện xây dựng và chuyển giao BT, đổi đất lấy hạ tầng cũng đã gây ra những thất thoát lớn, trong khi Nhà nước rất khó khăn về ngân sách, tiềm lực tài chính còn yếu. Nếu làm rõ những trường hợp mua bán, chuyển đổi đất công sẽ thấy hầu hết đều có thất thoát từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng”.