Việc tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu nhìn từ thực tế

26/08/2022 08:11

Sau khoảng gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu năm 2013 đã phát sinh một số vấn đề bất cập, điển hình trong đó là xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ, gian lận để trúng thầu, cố tình cung cấp thông tin, hồ sơ dự thầu không có thực. Điều đáng nói, dù luật đã có những quy định rõ chế tài xử phạt, thế nhưng tình trạng này đến nay vẫn không thuyên giảm.

Theo Luật Đấu thầu năm 2013, “đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Bản chất của hành vi đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển, bởi thông qua hoạt động này, những nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật và chi phí của chủ đầu tư sẽ được lựa chọn. Chính vì vậy, đấu thầu ra đời và tồn tại với mục tiêu nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch.

Sau khoảng gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu năm 2013 đã phát sinh một số vấn đề bất cập, điển hình trong đó là xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ, gian lận để trúng thầu, cố tình cung cấp thông tin, hồ sơ dự thầu không có thực.

Công tác đấu thầu ở nước ta là một trong những khâu phát sinh nhiều tiêu cực, có lúc có nơi chỉ mang tính hình thức, ẩn chứa những điều mờ ám, thiếu minh bạch và công bằng. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan quản lý đã điều tra khởi tố khoảng 11.700 vụ án tham nhũng chức vụ kinh tế, trong đó có khoảng 1.900 vụ án tham nhũng với khoảng 4.400 bị cáo, phần lớn liên quan đến các sai phạm về đấu thầu, mua sắm xây dựng, đầu tư công. Các vi phạm về đấu thầu diễn ra trong rất nhiều ngành khác nhau: xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục,...

Hành vi bị cấm trong đấu thầu

Tại khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu quy định rõ về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

- Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

- Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

- Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Hành vi làm giả hồ sơ năng lực để trúng thầu bị xử lý như thế nào?

Với hành vi vi phạm khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu này, khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định rõ tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả hồ sơ năng lực để trúng gói thầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều đáng nói, dù luật đã có những quy định rõ chế tài xử phạt, thế nhưng tình trạng này đến nay vẫn không thuyên giảm. Việc này đã tác động trực tiếp làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng thi công các công trình có nguồn vốn từ ngân sách.

Kết luận

Gian lận hồ sơ dự thầu đang là thực trạng, có ảnh hưởng trực tiếp, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư. Thực tế, đã có không ít công trình bị chậm tiến độ cả vài năm do năng lực thi công của nhà thầu yếu kém.

Các vi phạm trong công tác đấu thầu đã gây ra nhiều hệ lụy, như: Phá vỡ kế hoạch thực hiện chi tiêu công, mua sắm công và đầu tư công, không những làm cho các dự án bị chậm tiến độ, mà còn gây thất thoát lãng phí nguồn lực của đất nước; làm trật tự quản lý nhà nước bị xáo trộn; uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút;...

Hi vọng, tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý sẽ khắc phục được nhưng hạn chế, bất cập của hành vi vi phạm trên. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì tình trạng gian lận, vi phạm trong đấu thầu tại các dự án sẽ được dẹp bỏ.

Bạn đang đọc bài viết "Việc tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu nhìn từ thực tế" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).