Theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), mã chứng khoán VTR có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch là 17.294.833 cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo mệnh giá là 172.984.330.000 đồng. Thời gian hạn chế giao dịch là từ ngày 13/9.
Lý do hạn chế giao dịch là vì Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo soát xét bán niên 2022, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị hạn chế giao dịch theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 32, Quy chế đăng ký giao dịch.
"Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ có thông báo về việc cho phép cổ phiếu VTR được giao dịch trở lại bình thường sau khi công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại quy chế đăng ký giao dịch", HNX cho biết.
Theo báo cáo tài chính bán niên, tới ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của Vietravel âm 104,3 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm vẫn còn dương gần 8 tỷ đồng. Đến nay, lỗ luỹ kế của Vietravel đã lên đến hơn 300 tỷ đồng.
Mặc dù tổng tài sản đạt hơn 2.234 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp lại phải gánh khoản nợ cao hơn với gần 2.339 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 1.676 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietravel còn giữ lại gần 65 tỷ đồng tiền mặt, tương đương giảm 42% sau nửa năm.
Mặc dù nửa đầu năm 2022 thị trường du lịch đã khởi sắc trở lại, sau hai năm đóng băng do đại dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của Vietravel đã cải thiện, nhưng lợi nhuận của “ông lớn” ngành Du lịch Việt Nam vẫn âm.
Cụ thể, dù doanh thu gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt mức hơn 1.202 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp này vẫn bị lỗ ròng sau thuế hơn 114 tỷ đồng (bán niên năm trước bị âm hơn 290 tỷ đồng).
Theo giải trình của Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, bán niên năm trước doanh nghiệp bị lỗ là do hợp nhất số liệu kinh doanh từ công ty con. Tuy nhiên, vào tháng 12/2021 doanh nghiệp đã hoàn tất tái cấu trúc, tập trung đầu tư và phát triển mảng kinh doanh cốt lõi là du lịch. Cộng thêm việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, nên doanh thu và lợi nhuận được cải thiện rõ rệt trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Vietravel đã chuyển nhượng 55,58% cổ phần sở hữu tại Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cho nhà đầu tư. Hoàn tất thương vụ, Vietravel Airlines không còn là công ty con của Vietravel, không hợp nhất số liệu báo cáo tài chính.
"Mặc dù kết quả kinh doanh của Vietravel tiếp tục bị âm từ kết quả kinh doanh của các công ty con và công ty liên kết, tuy nhiên đã cải thiện hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021", Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Ở một diễn biến khác, mới đây, hãng hàng không Vietravel Airlines đã chính thức ký kết hợp tác với Công ty Asean Cargo Gateway (ACG) thành lập Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo) để phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá hàng không.
Cụ thể, Vietravel Airlines và ACG chính thức công bố hợp tác đầu tư VUAir Cargo theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% - 49%. Với việc hợp tác lần này, Vietravel Airlines và ACG mong muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hoá, khai thác vận chuyển hàng hoá hàng không, đại lý hàng hoá cho các hãng hàng không trong khu vực.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Airlines cho rằng, việc triển khai loại hình vận chuyển đa phương thức sẽ là xu hướng tất yếu bởi đại dịch và sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã cho thấy logistics là “mạch máu” của nền kinh tế.
“Việc ký kết này mở ra cơ hội cho cả hai bên triển khai thúc đẩy hệ sinh thái phát triển, chúng tôi hi vọng việc phát triển vận tải đa phương thức này sẽ mở ra cơ hội kết nối nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá và doanh nghiệp Việt", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho rằng, thị trường hàng hoá hàng không còn khá nhiều tiềm năng và chưa được khai thác triệt để. Đặc biệt là sự lo ngại về chuỗi cung ứng bị đứt gãy ngày càng tăng trong khi thị trường hàng hoá tại Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ được đánh giá là khu vực có tăng trưởng GDP hàng năm cao nhất toàn cầu và tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao nhất thế giới.
Với bước đi mới này, giới chuyên gia nhận định, đây sẽ là cơ hội để Vietravel cũng như Vietravel Airlines cải thiện tình hình kinh doanh sau hai năm thua lỗ nặng nề do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, từ việc thành lập hãng bay đến khi được cấp phép bay là cả một quá trình. Như trường hợp của Hãng bay IPP Air Cargo , mặc dù đã thành lập được hơn 2 năm, nhưng hiện vẫn đang “chật vật” với quá trình cấp phép bay, dù tất cả mọi thủ tục đã được hoàn tất.
Hơn nữa, vốn góp để đầu tư cho dự án này cũng đang là câu hỏi lớn đối với giới đầu tư, trong khi Vietravel Airlines đang gánh khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng sau 2 năm thành lập, còn Vietravel thì đang trong tình trạng nợ cao hơn tổng tài sản, cùng với vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm lần lượt là hơn 104 tỷ đồng và hơn 300 tỷ đồng. Với một bức tranh tài chính không mấy sáng sủa, cùng với việc cổ phiếu VTG bị hạn chế giao dịch, xem ra, khó khăn vẫn chưa hết đeo bám Vietravel.