VN-Index khó về 950 điểm và yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý 3

24/06/2022 16:22

Chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán 2 năm vừa qua, trải qua đại dịch nhưng chứng khoán vẫn tăng trưởng tốt. Năm 2020 về chỉ số tăng 14,8%, 2021 tăng 35,7%, đó là mức tăng rất tốt về chỉ số. Trên thị trường, sau mỗi giai đoạn tăng mạnh sẽ luôn luôn có nhịp điều chỉnh, đây là điều rất bình thường.

VN-Index khó về 950 điểm và yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý 3
VN-Index khó về 950 điểm và yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý 3. Hình minh họa.

Lý do thị trường điều chỉnh thời gian qua

Tại chương trình “Chọn Danh Mục” kỳ 9 với chủ đề: “Hành động trong mắt bão” do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 23/6, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), đã đưa ra một số nhận định khi chỉ số VN-Index đã giảm về quanh 1.200 điểm.

Nhìn lại thị trường chứng khoán 2 năm vừa qua, trải qua đại dịch nhưng chứng khoán vẫn tăng trưởng tốt. Năm 2020 về chỉ số tăng 14,8%, 2021 tăng 35,7%, đó là mức tăng rất tốt về chỉ số.

Nhưng về mặt cổ phiếu như có nhiều cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí có những cổ phiếu nền tảng cơ bản không tốt nhưng vẫn tăng bằng lần. Trên thị trường, sau mỗi giai đoạn tăng mạnh sẽ luôn luôn có nhịp điều chỉnh, đây là điều rất bình thường.

Thị trường đang quay lại kiểm định mốc 1.150 điểm. Trước mắt có ngưỡng tâm lý 1.200 điểm cần phải vượt qua. Tuy nhiên nhìn về phân tích kỹ thuật, đáy này đã gọi là đáy dài hạn hay hỗ trợ cứng chưa thì cần thêm thời gian. Chỉ xác nhận thị trường đã đáy hay chưa sau khi đã qua đáy rồi, trong khi đó thị trường vẫn còn một số yếu tố rủi ro đằng trước.

“Vẫn có một số mốc hỗ trợ bên dưới nếu chỉ số giảm qua 1.150 điểm, mốc hỗ trợ gần nhất là 1.130 điểm, dưới nữa là 1.080 điểm. Còn kịch bản có về 950 điểm sẽ khó xảy ra. Tất nhiên là chuyện gì cũng có thể xảy ra nhưng nếu ở bên ngoài và trong nước có chứng kiến biến động hay tin tức đặc biệt xấu thì chỉ số mới có thể về vùng đó”, ông Hiển cho biết thêm.

Ông Hiển cho biết, sau khi không chinh phục thành công mốc 1.300 điểm ở nhịp phục hồi liền trước, VN-Index chỉ giảm hơn 9% nhưng nhiều cổ phiếu đã giảm rất mạnh. Theo thống kê của SHS, 60% mã cổ phiếu giảm sâu hơn mức giảm của VN-Index, một nửa trong số này giảm trên 20%.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội chia sẻ nhận định tại Talkshow “Chọn Danh Mục” kỳ 9.
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội chia sẻ nhận định tại Talkshow “Chọn Danh Mục” kỳ 9.

Giám đốc SHS cho rằng, lý do kéo thị trường quay đầu giảm sâu thời gian qua do thị trường chịu tác động bởi những thông tin không tích cực như lạm phát của Mỹ tăng cao ở vùng đỉnh, Fed quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm %,... làm hỗn loạn thị trường tài chính toàn cầu và cũng vào thời điểm VN-Index đang đứng trước ngưỡng tâm lý 1.300 điểm.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu có thể có áp lực bán hạ margin của các nhà đầu tư", ngoài ra, với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân lớn, biến động của thị trường vốn đã mạnh ở điều kiện bình thường. Với loạt thông tin tiêu cực, làn sóng bấn tháo cổ phiếu bất chấp nền tảng của doanh nghiệp, triển vọng nền kinh tế, ông Hiển nhận định.

Ở góc nhìn của quỹ đầu tư, theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF), đặc thù của chứng khoán Việt ,nhà đầu tư cá nhân chiếm 90% thành phần tham gia. So với thị trường chứng khoán khu vực, như Đài Loan tỷ lệ cá nhân 50%-60% thì biến động của TTCK Việt Nam có thể xảy ra trong cả điều kiện bình thường, chứ không cần đợi đến khi phải có các sự kiện tác động. Thị trường có lúc rất hưng phấn như năm 2021, có lúc lại rất bi quan như thời gian qua.

Bà Phương cho rằng, việc thị trường điều chỉnh có 2 yếu tố. Trong 3 tháng đầu năm thị trường đi nganng, và nhiều cổ phiếu có hiệu suất tốt. Cảm giác thị trường cuối năm 2021 có nhiều cổ phiếu nhỏ và rất nhỏ không có yếu tố cơ bản hỗ trợ nhưng tăng giá rất nhiều, lúc đó VESAF nhìn thấy có tâm lý hưng phấn quá đà.

Tuy nhiên, nhìn thấy làn sóng hưng phấn như vậy, sự điều chỉnh là cần thiết và lành mạnh. Thậm chí, có lúc thị trường giảm đi một chút thì dòng tiền đi vào rất tốt. Đến khi xảy ra sự kiện trong nước và thế giới tạo ra cú sốc, giống như mọi thứ đang màu hồng giờ đi vào vùng xám, u tối", bà Phương phân tích.

Bên cạnh định giá hấp dẫn, chuyên gia VESAF lưu ý vẫn có nhiều yếu tố khó dự báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng và quản trị danh mục của mình.

Yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý 3/2022

Theo bà Phương, trong quý 3/2022 sẽ phải để ý đến tốc độ gia tăng của lạm phát Mỹ vì yếu tố Fed tăng lãi suất đang là tác nhân chính tạo sự bi quan đến các nhà đầu tư. Vì chứng khoán Việt Nam những năm gần đây đã cho thấy sự biến động tương quan khá lớn với thị trường Mỹ.

Ngoài ra, yếu tố lạm phát của Việt nam cũng đang được quan tâm. Mặc dù 5 tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với các nước phát triển cũng như một số nước châu Á nhưng câu hỏi đặt ra là liệu áp lực của lạm phát trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào và làm sao để định lượng được nó.

Nhà đầu tư cần để ý đến các vấn đề liên quan tới khi nào ngân hàng sẽ có hạn mức tín dụng mới, khi nào thì gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thực sự được thực thi và khi nào Trung Quốc mở cửa khôi phục lại thì Việt Nam sẽ giải quyết được một số vấn đề về như du lịch, nhu cầu tiêu dùng,…

Ngoài ra, thay đổi về Nghị định 153 liên quan đến phát hành trái phiếu và hy vọng sẽ có hướng hỗ trợ hơn so với bản dự thảo gần nhất. Đây sẽ là những yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý 3/2022.

Mặt khác, Giám đốc SHS cũng chỉ ra một yếu tố: Lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng mạnh trong hai năm gần đây. Trong năm 2021, số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng trên 50% (năm 2020 có 2,7 triệu tài khoản) thì đến năm 2022 có 4,3 triệu tài khoản và hết tháng 5 này có đến 5,7 triệu tài khoản - vượt mục tiêu số tài khoản trên số dân vào năm 2025.

Ông Hiển nói thêm: "Trong số này, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn và đây là đối tượng hoạt động rất mạnh trên thị trường trong hai năm qua. Sự hoạt động mạnh của họ là tác nhân giúp thị trường đi lên, bất chấp khối ngoại có ba năm rút vốn mạnh, trong đó 2021 là năm đạt kỷ lục.

Song, việc nhà đầu tư cá nhân tham gia đông đảo dẫn đến yếu tố tâm lý rất lớn. Nhà đầu tư chịu tác động tâm lý dẫn đến làn sóng bán tháo bất chấp yếu tố cơ bản của doanh nghiệp hay triển vọng kinh tế".

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "VN-Index khó về 950 điểm và yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý 3" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).