Nhà đầu tư chứng khoán đang tiếp tục trải qua cảm giác tiêu cực khi thị trường liên tục lao dốc trong các phiên chiều gần đây và ngày 20/4 cũng không ngoại lệ.
VN-Index biến động khá lớn khi mở cửa thị trường nhưng vẫn kịp lấy lại sắc xanh khi tạm dừng phiên sáng. Dù vậy thị trường lại trở mặt sau 14h khi các chỉ số lùi rất sâu bởi một áp lực bán dứt khoát.
VN-Index lao dốc về cuối phiên 20/4. Đồ thị: TradingView.
VN-Index mất gần 19 điểm trước phiên ATC để rơi về mức thấp nhất 1.387,55 điểm. HNX-Index cũng lao dốc 2,64% về khoảng 382 điểm.
Cổ phiếu lại bất ngờ nằm sàn hàng loạt từ nhóm đầu cơ đến cả nhóm midcap. Hai sàn niêm yết có đến 108 mã đang giảm kịch sàn.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index lui về mức thấp nhất trong ngày tại 1.384,72 điểm, tức giảm đến 21,73 điểm (-1,55%). Đây đã là chuỗi 5 phiên lao dốc liên tiếp của chỉ số chính, tương đương rơi hơn 92 điểm (-6,26%). Chỉ số đã quay về vùng giá hồi tháng 10/2021.
Toàn thị trường phủ bóng tiêu cực khi có tổng cộng 831 mã giảm giá (trong đó có đến 165 mã giảm sàn). Ngược lại toàn sàn chỉ có 201 mã tăng giá. Tức số mã giảm gấp 4 lần số mã tăng.
Đà rơi của thị trường chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khi chỉ số đại diện lần lượt là VNMID mất 2,83% giá trị và VNSML rơi 3,62% tính theo chỉ số. Trong khi đó nhóm vốn hóa lớn nhất VN30 cũng không thể giữ được sắc xanh khi giảm nhẹ 0,35%.
Cổ phiếu đầu cơ vẫn khiến nhà đầu tư khóc ròng với chuỗi ngày không thấy đáy. Hiện nhóm FLC Group đều đã nhúng giá sàn với hơn 30 triệu cổ phiếu đang tranh bán tại mức giá thấp nhất. Nhất là mã FLC lùi về 6.650 đồng, tức giảm hơn 70% kể từ sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết.
Tương tự là cổ phiếu họ Louis với TGG, BII, APG, AGM, SMT, LDP đều giảm sàn trắng bên mua. Cổ phiếu họ Apec có APS và IDJ đều rơi về giá sàn. Nhóm DNP Corp ghi nhận JVC và NVT giảm hết biên độ và HUT rơi 6,4%.
Cổ phiếu nhóm Gelex cũng tiếp tục có lực bán rất lớn khiên GEX giảm sàn, PXL rơi hơn 10%, VGC và SCI lao dốc khoảng 6%. Bộ đôi cổ phiếu họ Trí Việt là TVB và TVC nhúng giá sàn. Họ An Phát có APH giảm sàn và AAA, NHH giảm rất sâu. Nhóm Bamboo Capital ghi nhận TCD giảm sàn và BCG rơi 5,9%.
Một số mã khác như HQC, SHB, YEG, SJF, DAG, L12… cũng bị bán tháo tại giá sàn. Cổ phiếu bất động sản và xây dựng tầm trung cũng lao dốc không kém cạnh khi những mã như QCG, CII, NBB, HQC, LCG, HBC… đều kết phiên trong trạng thái giảm kịch sàn. Một số mã khác như CEO, DXG, DIG, PHC cũng lao dốc mạnh.
Nhóm ngành dầu khí cũng tương tự bị bán tháo dữ dội khiến nhiều mã PVD, PVC, PVB, PSH giảm hết biên độ. Các mã dầu khí vốn hóa lớn như GAS cũng mất đến 6,4%, BSR rơi 8,2% hay OIL giảm 7,3%...
Xét riêng về mức độ đóng góp, GAS giảm 6,4% về 106.600 đồng là mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số. Ảnh hưởng tiêu cực tiếp theo là GVR của Tập đoàn Cao su giảm sàn về 32.550 đồng và VHM của Vinhomes rơi 3% xuống 66.800 đồng. ở chiều tích cực, MSN của Masan tăng 3,2% lên 124.300 đồng là mã có đóng góp tốt nhất lên chỉ số. Tiếp đến là VCB của Vietcombank cũng tăng 0,9% lên 78.400 đồng và SAB của Sabeco tăng 1,8% đạt 172.000 đồng. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua khi tổng giá trị khớp lệnh xuống 22.534 tỷ đồng, tức giảm 5,9%. Trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 7% về mức 19.400 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch theo chiều hướng tích cực khi họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.863 tỷ và bán ra 1.424 tỷ, tương đương mua ròng 439 tỷ đồng trên HoSE. Các mã được gom nhiều là GEX và DPM, trong khi DGC và VHM bị xả mạnh nhất.