VNDirect: 3 xu hướng ngành bán lẻ nửa cuối năm 2022. Hình minh họa |
Trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 8,2% so với cùng kỳ bất chấp mức giảm trong tháng 2 và tháng 3/2022 do sự bùng phát của đại dịch. Tính đến tháng 6, mức độ di chuyển của người Việt Nam đến các địa điểm bán lẻ và vui chơi giải trí đã phục hồi về mức trước dịch (theo dữ liệu về tính di động của Google), đánh dấu sự trở lại giai đoạn tăng trưởng tiêu dùng Việt Nam sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm, đạt gần 2.257 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ
(Nguồn: VNDirect) |
Mức độ di chuyển của người Việt Nam đến các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm đạt mức cao hơn 24,3%, so với trước đại dịch vào tháng 5, cho thấy xu hướng gia tăng của ngành bán lẻ hàng tạp hóa và dược phẩm tại Việt Nam sau đại dịch.
Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng, vấn đề lạm phát của Việt Nam có thể được duy trì ở mức thấp hơn so với các nước khác (nhất là các nước châu Âu, châu Mỹ) và không ảnh hưởng nhiều đến tiêu dùng của người dân cũng là yếu tố hỗ trợ giúp ngành có thể quay trở lại quỹ đạo.
VNDirect nhận thấy ba xu hướng cho ngành bán lẻ trong 6 tháng cuối năm 2022. Thứ nhất, sự chuyển hướng sang bán lẻ hiện đại rõ ràng hơn sau đại dịch, giúp các chuỗi bách hóa hiện đại tăng trưởng mạnh hơn. Thứ hai, các nhà bán lẻ lớn đang không ngừng mở rộng sang các thị trường bán lẻ như dược phẩm hoặc thị trường mẹ và bé. Cuối cùng, sự phục hồi của các công ty kinh doanh bất động sản bán lẻ nhờ dịch vụ được hồi phục.
Chuỗi bách hóa hiện đại tăng trưởng mạnh
NGUỒN: VNDIRECT RESEARCH, Kantar |
Theo số liệu của Kantar, sau đại dịch, thị phần của kênh siêu thị mini đạt 10% trong quý I, gấp đôi so với mức trước đại dịch. Trong quý, giá trị tiêu dùng hàng tiêu dùng nhanh theo kênh siêu thị mini tăng 20% ở 4 thành phố trọng điểm và 32% ở khu vực nông thôn, cho thấy sự chuyển dịch sang các kênh hiện đại, đặc biệt là kênh siêu thị mini đang được thúc đẩy mạnh mẽ sau đại dịch.
Sau khi doanh thu Bách Hóa Xanh sụt giảm mạnh kể từ quý 4/2021, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải tổ chuỗi BHX với việc thay đổi người lãnh đạo BHX từ quý 4/2021 kết hợp với những thay đổi trong hệ thống vận hành để nâng cấp trải nghiệm của khách hàng quý 1/2022. Trong tháng 4 vừa qua, 460/2140 cửa hàng được nâng cấp lên mô hình mới với doanh thu tăng 10% so với mô hình cũ. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu trên mỗi cửa hàng BHX sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối 2022 trong xu hướng tiêu dùng hướng tới bán lẻ hiện đại.
CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cũng tích hợp các dịch vụ bổ sung như hệ thống trà và cà phê Phúc Long, chuỗi dược phẩm Phano, dịch vụ thanh toán Techcombank cũng như dịch vụ giặt là Joins Pro để biến Winmart + trở thành chuỗi cửa hàng bán lẻ đa tiện ích trong xu hướng bán lẻ hiện đại trên đà phát triển.
Không ngừng mở rộng thị trường bán lẻ tiềm năng
NGUỒN: VNDIRECT RESEARCH, EUROMONITOR, Báo cáo công ty |
VNDirect dẫn nghiên cứu thị trường của IBM cho thấy, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam vào khoảng 7,7 tỷ USD trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng kép 16,2% trong giai đoạn 2012 – 2021. Quy mô thị trường kỳ vọng đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương đương tốc độ tăng trưởng kép là 15,9% giai đoạn 2021-2026 cho thấy thị trường dược phẩm Việt Nam còn nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng gần 2,0 lần tăng trưởng GDP (khoảng 7% / năm).
Ngoài ra, quy mô các chuỗi bán lẻ thuốc hiện đại lớn chỉ đang chiếm ít hơn 4% tổng số lượng nhà thuốc toàn quốc, cho thấy tiềm năng để phát triển chuỗi bán lẻ thuốc quy mô lớn như An Khang, Long Châu.
Tính đến tháng 6, chuỗi Pharmacity có số lượng cửa hàng lớn nhất với hơn 1.100 cửa hàng, xếp thứ hai là chuỗi Long Châu với gần 630 cửa hàng và An Khang đứng thứ ba với gần 360 cửa hàng.
Ngoài thị trường dược phẩm, thị trường sản phẩm trẻ em cũng được các ông lớn bán lẻ nhắm tới. Theo Euromonitor, doanh thu sản phẩm trẻ em tại Việt Nam (bao gồm thức ăn trẻ em, sản phẩm dành riêng cho trẻ nhỏ và quần áo trẻ em) đạt khoảng 50.100 tỷ đồng vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng kép khoảng 7,3%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025 với 80% thị phần thuộc về các cửa hàng quy mô nhỏ.
Kết quả thử nghiệm đầu tiên của chuỗi AVAKids ghi nhận doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng có thể đạt tới 2 tỷ đồng, trong đó doanh thu trực tuyến chiếm 25 - 30%. Tính đến ngày 1/6, số lượng cửa hàng AVAKids đạt con số 50, đánh dấu giai đoạn 2 thử nghiệm AVAKids.
Công ty kinh doanh bất động sản bán lẻ phục hồi mạnh mẽ
NGUỒN: VNDIRECT RESEARCH, , TCTK, BÁO CÁO CÔNG TY |
Trong điều kiện “bình thường mới” của Việt Nam, lĩnh vực dịch vụ bán lẻ đã phục hồi mạnh mẽ, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lần lượt tăng 14,7% và 33,9% so với cùng kỳ.
Lượng khách đến các trung tâm thương mại của Vincom đã phục hồi đến 60% mức trước dịch trong quý I và phục hồi về mức trước đại dịch trong quý II vừa qua khi bước vào mùa hè - mùa cao điểm với các hoạt động vui chơi tại các trung tâm mua sắm.
VNDirect cho biết, CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) có kế hoạch mở rộng khoảng 1,4 - 2 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ trong vòng 4 năm tới, hướng đến mục tiêu tổng diện tích sàn 3,3 - 3,7 triệu m2 vào năm 2026 (gấp khoảng 2 lần so với 2021).
Trong nửa cuối năm nay, VNDirect cho rằng, VRE sẽ tăng trưởng 95,5% lên 2.569 tỷ đồng, trên cơ sở công ty không bổ sung bất kỳ gói hỗ trợ nào cho các khách thuê, kết hợp với việc mở rộng diện tích sàn cũng như sự quay trở lại của khách hàng tới các trung tâm thương mại kể từ quý II/2022.
VNDirect đánh giá cao CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) vì: PNJ có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, và VNDirect kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của PNJ có thể tăng trưởng 60,5% / 24,1% svck lên 1.658 tỷ đồng / 2.058 tỷ đồng trong năm 2022/23. Các chiến lược của PNJ có thể duy trì động lực tăng trưởng cho mảng bán lẻ của PNJ trong 5 năm tới, bao gồm concept hấp dẫn với Style by PNJ / “Cửa hàng đa thương hiệu” hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng khác như Pandora / tập trung vào số hóa và bán hàng đa kênh.