VSETGroup: Khát vốn, ôm mộng 'xưng bá' dù lợi nhuận 'cỏn con'
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn VSETGroup (viết tắt là VSETGroup) số tiền 600 triệu đồng do doanh nghiệp có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, VSETGroup đã thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.
Sau đợt kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tháng 10 vừa qua theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, VSETGroup là doanh nghiệp bị xướng tên đầu tiên với mức phạt nặng 600 triệu đồng.
Trước đó, đầu năm 2021, VSETGroup từng công bố trên website của mình về đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 vào quý I/2021 với loại hình trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không có đảm bảo bằng tài sản, không kèm chứng quyền; trái phiếu được phát hành riêng lẻ không thông qua đại lý phát hành... Tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành 327,5 tỷ đồng, kỳ hạn từ 12 đến 60 tháng với lãi suất cố định trong toàn bộ kỳ hạn từ 13,5% - 17,5%/năm, đây được xem là mức lãi suất cao kỷ lục trên thị trường. Lô trái phiếu này còn từng bị báo chí phản ánh vi phạm pháp luật khi VSETGroup liên tục công bố thông tin quảng cáo, mời chào mua trái phiếu với lãi suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, với việc công bố rộng rãi đã phát hành trái phiếu đến các đối tượng mua trái phiếu là cá nhân đầu tư vào trái phiếu của VSETGroup không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, vi phạm quy định tại Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. |
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, kể từ năm 2018 trở lại đây, VSETGroup tỏ ra "khát vốn" khi khối nợ phải trả đã tăng chóng mặt, đồng thời liên tục triển khai chào bán trái phiếu cho dù có vi phạm các quy định như đề cập phía trên.
Các chỉ số tài chính cho thấy, với nguồn lực mới "đổ về", quy mô hoạt động kinh doanh của VSETGroup được mở rộng, doanh thu mỗi năm cho thấy mức tăng trưởng tốt, thế nhưng ngược lại với đó là khả năng sinh lợi ngày càng hạn chế, những khoản lợi nhuận trong nhiều năm qua đều mấp mé bên bờ thua lỗ.
Bình quân giai đoạn 2019 - 2020, doanh nghiệp chỉ có lãi khoảng 1 đồng cho mỗi 100 đồng thu về, tương ứng biên lợi nhuận lẹt đẹt ở mức trên dưới 1%.
Hé lộ năng lực tài chính của VSETGroup
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn VSETGroup thành lập từ ngày 26/3/2014, tiền thân là Công ty Cổ phần Điện tử Viễn thông VsetCom, vốn điều lệ chỉ hơn 1 tỷ đồng. Hiện trụ sở chính VSETGroup đặt tại số 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM.
Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của VSETGroup duy trì trên mức 100 tỷ đồng kể từ năm 2018. Đến năm 2021, doanh nghiệp bắt đầu triển khai những cú tăng vốn "thần tốc", mở đầu với với việc phát hành thêm 35 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng vào cuối tháng 1.
Tới tháng 9/2021, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của VSETGroup cho thấy vốn điều lệ tiếp tục điều chỉnh tăng từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trước đó ít lâu, doanh nghiệp đã công bố phương án phát hành 50 triệu cổ phần chủ yếu cho cổ đông hiện hữu, diễn ra trong tháng 11 vừa qua.
Theo thông tin trên website của VSETGroup, viện dẫn cho "cơn khát vốn" thời gian qua là để doanh nghiệp có nguồn lực lấn sân sang các mảng kinh doanh mới, ngoài lĩnh vực ban đầu là cung cấp dịch vụ điện tử viễn thông, giải pháp phần mềm... đến nay, hệ sinh thái của VSETGroup bao gồm vận tải hàng hóa, cho thuê xe, thuê kho bãi; xây dựng công trình giao thông, dân dụng; nhà hàng, khách sạn; thiết kế, thi công cảnh quan; tài chính và trang sức, phụ kiện thời trang. Doanh nghiệp còn ấp ủ kế hoạch IPO trên sàn HoSE vào năm 2025.
Về cơ cấu ban lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT VSETGroup là ông Trương Ngọc Anh (1988) và cũng là cổ đông lớn nhất doanh nghiệp; tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Ngọc Mỹ Linh (1997) - người có cùng địa chỉ thường trú với ông Ngọc Anh.
Điểm gợn đó là kết quả kinh doanh của VSETGroup (công ty mẹ) những năm vừa qua vẫn chưa thực sự sáng sủa hơn. Xét giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù doanh thu thuần của VSETGroup có tốc độ tăng trưởng tốt, cụ thể đạt 277 triệu đồng, 3,1 tỷ đồng, 13,8 tỷ đồng, 93,4 tỷ đồng và 215,5 tỷ đồng, tuy nhiên biên lợi nhuận vẫn không được cải thiện, duy trì ở mức "đì đẹt" và thậm chí còn có giai đoạn thấp dần theo thời gian.
Theo đó, tương ứng giai đoạn này, lợi nhuận sau thuế của VSETGroup lần lượt đạt 39 triệu đồng, 159,9 triệu đồng, 412,7 triệu đồng, 519,5 triệu đồng và 2,8 tỷ đồng. Có thể thấy quy mô lợi nhuận không tương xứng với doanh thu thuần. Hệ số lợi nhuận/doanh thu, phản ánh khả năng sinh lợi còn giảm dần trong suốt năm 2016 - 2019, từ 14% về còn vẻn vẹn 0,6%.
Năm 2020, biên lợi nhuận thuần mới phục hồi về mức 1%, nhưng vẫn rất "mỏng manh" so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác.
Về cấu trúc tài chính, nợ phải trả của VSETGroup tăng rất mạnh, đặc biệt giai đoạn 2018 - 2020, từ 6,2 tỷ đồng lên tới 242,2 tỷ đồng, gấp gần 40 lần, hầu hết là các khoản nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lúc này tăng chậm, từ 100 tỷ đồng (2018) lên 153,4 tỷ đồng (2020).
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy, VSETGroup hiện sở hữu 100% vốn Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính VSETCredit, pháp nhân non trẻ thành lập vào cuối tháng 10/2020.
Mặt khác, ngoài VSETGroup, doanh nhân Trương Ngọc Anh còn nắm tỷ trọng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trương Gia, Công ty Cổ phần Thời trang VSMan, Công ty Cổ phần Ô tô VSET Thống Phát, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Khang Anh, Công ty Cổ phần Cảnh quan VSET Nature, Công ty Cổ phần Điện tử viễn thông VSETCom.
Như một nét "truyền thống", lợi nhuận tiếp tục ở mức "nhỏ giọt", suýt soát thua lỗ. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trương Gia (công ty mẹ) chỉ báo lãi 406 triệu đồng với doanh thu gần 60 tỷ đồng trong năm 2020; số lãi này còn thấp hơn thực đạt năm 2018 là 543 triệu đồng, cho dù doanh thu đã tăng cao hơn 10 lần, từ 5,1 tỷ đồng.