Vụ án Công ty Alibaba: Làm rõ sai phạm về quản lý đất đai và trốn thuế (kỳ 3)

12/08/2022 08:25

Theo Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, hầu hết giá trị thửa đất chuyển nhượng trên "Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ" đều thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế thanh toán. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết đã chuyển phần nội dung làm việc với chủ đất đến Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận để điều tra, làm rõ và xử lý chung đối với các dấu hiệu sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương. Bên cạnh đó, hành vi có dấu hiệu trốn thuế cũng được xem xét xử lý sau...

Những người bán đất khai gì?

Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm tổ chức mua đất trồng cây lâu năm, trồng cây công nghiệp, đất nông nghiệp với giá rất rẻ, rồi Luyện chỉ đạo lập ra 53 dự án đặt tên rất "kêu" nhằm quảng cáo, thu hút người mua đất nền, phân lô đất thổ cư với giá rất cao làm 4.361 nạn nhân mắc bẫy lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng. Một số chủ đất như ông Phan Văn Hết, Nguyễn Văn Phúc (bán 07 thửa đất tại xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), bà Trần Thị Nguyệt (bán 13 thửa đất tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)..., khai trực tiếp giao dịch, mua bán với Nguyễn Thái Luyện, Trương Thị Hồng Ngọc.

Đối với các văn phòng công chứng xác nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa chủ đất với Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm, kết quả điều tra xác định: "Các văn phòng công chứng chỉ xác nhận giá trị thanh toán trên Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa các bên tham gia giao dịch, ngoài ra, không chịu trách nhiệm về giá trị và nội dung thanh toán thực tế nên Cơ quan CSĐT không xem xét trách nhiệm hình sự của các đơn vị này".

Trong khi ông Lê Minh Tuấn (người bán thửa đất số 5, tờ bản đồ 79, diện tích 16.250m2 (tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) khai rằng, khoảng năm 2016, Tuấn mua thửa đất của bà Trần Thị Vân Anh và ông Huỳnh Thanh Tuấn (nhưng chỉ mới ký Hợp đồng mua bán và công chứng, chưa làm thủ tục sang tên QSDĐ), tháng 6-2017, Nguyễn Thái Lĩnh đến hỏi mua, hai bên thống nhất giá mua bán 860.000 đồng/m2 (tương đương 13.975.000.000 đồng). Ngày 23-6-2017, Tuấn và Lĩnh đến Phòng Công chứng số 4 tỉnh Đồng Nai ký kết Hợp đồng đặt cọc số 8134/2017 và Lĩnh thanh toán tiền cọc là 1.400.000.000 đồng. Ngày 07-3-2017, Tuấn và Lĩnh đến Phòng Công chứng số 4 tỉnh Đồng Nai ký Hợp đồng chuyển nhượng số 8533/2017, sau khi ký hợp đồng thì Lĩnh thanh toán cho Tuấn số tiền 12.575.000.000 đồng tại phòng công chứng.

z3635966945568-213499e65736c503a7e77eb3243b99f6-1660215469.jpg

Chính quyền thông báo dự án "ma" của Công ty Alibaba

Ông Trần Thương (người bán thửa đất số 13 tờ bản đồ số 79, với tổng diện tích 5.436 m2 tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho Nguyễn Thái Lĩnh, khai là thông qua nhân viên môi giới Nguyễn Văn Minh, ông Thương đã bán cho Nguyễn Thái Lĩnh thửa đất nêu trên. Giá giao dịch mua bán thực tế là 4.350.000.000 đồng (chuyển 01 tỷ đồng vào tài khoản của con ruột tên là Trần Trường Sơn tại ngân hàng và đưa tiền mặt 3,35 tỷ đồng). Thủ tục mua bán, sang tên do bên mua thực hiện, ông Thương chỉ đến Phòng Công chứng số 4 tỉnh Đồng Nai ký Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 08486/2017 ngày 14-9-2017. Khi đến phòng công chứng, ông mới gặp Nguyễn Thái Lĩnh. Đất bán cho Lĩnh là đất trồng cây công nghiệp lâu năm, không phải đất thổ cư.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo (người bán 02 thửa đất số 9 và 12 tờ bản đồ số 79, tổng diện tích 15.349 m2 tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho Nguyễn Thái Lĩnh khai: Ngày 27-7-2017, bà Hảo ký Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 9645/2017 hai thửa đất nêu trên. Giá bán thực tế 3.069.800.000 đồng (200.000 đồng/m2). Bên mua làm mọi thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất, bà Hảo cùng chồng là Lê Quốc Hưng chỉ đến Văn phòng Công chứng số 4, tỉnh Đồng Nai để ký hợp đồng. Việc giao dịch bán đất thông qua nhân viên môi giới tên Minh (không rõ họ, địa chỉ), phí môi giới là 2% trên tổng giá trị hợp đồng. Khi đến Phòng Công chứng số 4 tỉnh Đồng Nai để ký Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, bà mới biết người mua đất là Nguyễn Thái Lĩnh, không biết Lĩnh là Tổng giám đốc Công ty Alibaba. Đất bán cho Lĩnh là đất trồng cây công nghiệp lâu năm, không phải thổ cư.

Mua đất nông nghiệp - lừa bán giá thổ cư...

Người đã ký hợp đồng chuyển nhượng với bị can Bùi Minh Đức (nguyên Phó tổng GĐ Công ty Alibaba, kiêm Tổng giám đốc Công ty TLLAND), là bà Trương Thị Nhi, Cơ quan điều tra đã nhiều lần gửi giấy triệu tập, nhưng không đến làm việc, qua xác minh tại địa phương được biết hiện các đương sự không có mặt tại địa phương, đi đâu không rõ. Do đó chưa thể lấy lời khai làm rõ về việc giao dịch mua bán đất và giá trị mua bán thực tế. Dù vậy, qua tài liệu xác minh, đủ căn cứ xác định việc mua bán đã được hoàn tất.

Riêng thửa đất 223, tờ bản đồ số 73 tại xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, mặc dù chưa ghi lời khai của ông Trần Văn Hùng và bà Dương Thị Hằng (do chưa xác minh được hiện nay ông Trần Văn Hùng và bà Dương Thị Hằng đang ở đâu), Cơ quan CSĐT đã thu thập giấy xác nhận do bị can Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nguyên nhân viên Pháp lý Công ty Alibaba) viết thể hiện giá mua bán thực tế là 66,5 tỷ đồng.

z3635972813906-9d5d24f1381547d53683e68b2b5128db-1660215469.jpg
Các bị hại trực tiếp đến Công ty Alibaba để tìm hiểu thêm, thì thấy công ty có trụ sở bề thế

Kết quả ghi lời khai các bị hại cho thấy, các bị hại đều được nhân viên bán hàng của Công ty Alibaba giới thiệu các dự án đều có pháp lý đầy đủ, đất bán là đất thổ cư, giá rẻ, gần Sân bay Quốc tế Long Thành, gần khu công nghiệp, gần trường học và các khu tiện ích khác, thanh khoản tốt, thanh toán linh hoạt, dễ sinh lời, đồng thời có nhiều quyền chọn. Các bị hại trực tiếp đến công ty để tìm hiểu thêm, thì thấy công ty có trụ sở bề thế, nhân viên nhiều, quy mô công ty lớn và có nhiều khách hàng khác đang giao dịch mua bán đất của công ty nên an tâm tin tưởng. Việc chọn mua là dựa trên bản vẽ trên giấy, không chọn trên thực địa.

Trước khi ký Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ với Công ty Tia Chớp, một số bị hại được công ty dẫn đi xem đất nơi sẽ lập dự án, đều xác định hiện trạng là đất trống hoặc đất trồng cây, không có hạ tầng, không có nhà. Theo lời khai của các bị hại, đa số các bị hại có mối quan hệ quen biết hoặc là người nhà của nhân viên Công ty Alibaba, ngoài ra có một số bị hại từng là nhân viên của công ty này.

Như vậy, với vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh đồng thời là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp, theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, Trương Thị Hồng Ngọc đã đứng tên nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp từ các hộ dân, ký Hợp đồng ủy quyền lại cho Công ty Tia Chớp (do chính Ngọc làm Giám đốc), làm "chủ đầu tư” dự án phân lô, bán nền đối với các thửa đất do Ngọc đứng tên, dù Công ty Tia Chớp là chủ đầu tư, nhưng không thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào có liên quan đến việc đăng ký xin lập dự án. Trong 53 dự án ảo (không có thật), chỉ riêng 04 dự án nêu trên mới chỉ là đất nông nghiệp, nhưng vẫn quảng cáo dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, đưa ra hàng loạt chính sách khuyến mãi, ưu đãi, tạo dựng niềm tin cho 250 người ký 322 hợp đồng để chiếm đoạt số tiền hơn 101 tỷ đồng...

Dấu hiệu sai phạm về quản lý đất đai và trốn thuế

Theo Cơ quan CSĐT, đối với chủ của các thửa đất nông nghiệp đã chuyển nhượng cho Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm (sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Cơ quan CSĐT làm rõ các chủ đất được Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thông qua môi giới (hoặc trực tiếp) để ký Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Hầu hết giá trị thửa đất chuyển nhượng trên Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đều thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế thanh toán. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã chuyển phần nội dung đã làm việc với chủ đất đến Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận để điều tra, làm rõ và xử lý chung đối với các dấu hiệu sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương trên.

Các hành vi sai phạm có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc để Công ty Alibaba mua đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định trong một thời gian dài. Hành vi chuyển nhượng giá đất nông nghiệp với giá cao nhưng thực hiện hợp đồng công chứng với giá thấp có dấu hiệu của tội "trốn thuế" tại TPHCM và các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được Cơ quan điều tra tách ra xem xét, xử lý sau.

Bạn đang đọc bài viết "Vụ án Công ty Alibaba: Làm rõ sai phạm về quản lý đất đai và trốn thuế (kỳ 3)" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).