Vụ hơn 15.000 con gà chết ngạt ở Phú Thọ do sự cố điện: Mâu thuẫn trong trả lời của điện lực Phù Ninh?

11/08/2022 11:23

Liên quan đến sự cố điện khiến 15.000 con gà chết ngạt ở Phú Thọ, mới đây lãnh đạo điện lực huyện Phù Ninh đã lên tiếng cho rằng, ngày xảy ra sự việc, chất lượng điện áp ổn định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo điện tử Dân Việt, điều này mâu thuẫn với chính nội dung tại biên bản làm việc do điện lực huyện cung cấp.

Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã có bài viết "Phú Thọ: Chủ trang trại mất trắng 15.000 con gà, thiệt hại 2,5 tỷ đồng vì sự cố điện".

Theo đó, khoảng 13 giờ 30 ngày 25/7, trang trại của ông Nguyễn Xuân Ngọc (xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) bất ngờ xảy ra sự cố điện, làm hơn 15.000 con gà chết ngạt, ước tính thiệt hại gần 2,5 tỷ đồng.

Điện lực huyện Phù Ninh: Chất lượng điện áp ổn định(?)

Ngày 8/8, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vi Xuân Trọng- Phó Giám đốc Điện lực huyện Phù Ninh xác nhận đã nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Ngọc- chủ trang trại chăn nuôi gà về sự cố mất điện làm chết hơn 15.000 con gà. Theo ông Trọng, trang trại chăn nuôi gà này được ông Ngọc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng từ ông Hoàng Đức Thắng (cũng ở xã Phú Mỹ).

"Ngày 29/7, đại diện điện lực huyện Phù Ninh đã có buổi làm việc với ông Ngọc để chia sẻ thiệt hại kinh tế và nắm bắt lại tình hình sự việc"- ông Trọng nói.

Hơn 15.000 con gà chết ngạt do sự cố điện: Điện lực huyện Phù Ninh lên tiếng - Ảnh 1.

Hơn 15.000 con gà chết ngạt do sự cố điện. Ảnh: NVCC

Trả lời tiến độ xử lý vụ việc trên, ông Trọng cho biết: Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi có nhiều cái khó. Thứ nhất, ông Ngọc là chủ trang trại gà, là người trực tiếp báo sự cố mất điện nhưng ông Ngọc không phải chủ thể đứng tên hợp đồng mua bán điện. Chủ thể hợp đồng sử dụng điện ký với chúng tôi là ông Thắng, nên việc tìm kiếm trên hệ thống của điện lực gặp khó.

Tiếp đó, kênh chính thống tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng và đi sửa chữa xử lý sự cố của điện lực huyện Phù Ninh thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng và tổ đi sửa chữa. Tuy nhiên, ông Ngọc không gọi điện đến 2 chỗ này mà lại gọi cho ông Nam (Trưởng phòng kinh doanh) nên chúng tôi lại mất thêm thời gian tiếp nhận, chuyển thông tin của khách hàng.

Cũng theo ông Trọng, từ năm 2009 đến nay, ông Thắng là chủ thể ký hợp đồng điện với điện lực huyện Phù Ninh để phục vụ mục đích chăn nuôi tại trang trại của mình.

Theo quy định trong hợp đồng và Luật Điện lực, ông Thắng muốn cung cấp dịch vụ điện cho bên thứ ba (tức cho ông Ngọc), phải báo cáo với ngành điện lực trước 15 ngày và được sự chấp thuận của ngành.

"Việc bán điện cho một người, một người khác sử dụng, trong khâu này, các cơ quan có thẩm quyền, chức năng đã xác định, xử lý. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo tiếp theo của cấp trên để triển khai cụ thể. Giải pháp trước mắt, Trưởng phòng kinh doanh của điện lực huyện Phù Ninh đã đến gặp tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành quy định dịch vụ điện cho ông Thắng và ông Ngọc. Để đảm bảo quy định, chúng tôi sẽ phải tiến hành thanh lý hợp đồng với ông Thắng, rồi làm hợp đồng với chủ thể mới là ông Ngọc"- ông Trọng giải thích thêm.

Nói về sự cố mất điện khiến 15.000 con gà của nhà ông Ngọc bị chết ngạt, ông khẳng định: "Ngày 25/7, chúng tôi đảm bảo cung cấp điện ổn định và chất lượng điện áp, không để xảy ra việc mất điện hay gây gián đoạn điện bất cứ lúc nào trong ngày".

Theo đó, ngày 25/7, sau khi tiếp nhận phản ánh của ông Ngọc về sự cố mất điện, theo quy trình xử lý, trực vận hành đã đến kiểm tra tại trạm biến áp Phú Mỹ 1 và công tơ cấp điện cho khách hàng. Qua kiểm tra, lưới điện đang có điện bình thường.

"Chúng tôi không xác định được nguyên nhân mất điện ở đâu, nên không biết xử lý cái gì. Sau đó, chúng tôi cũng kiểm tra bằng mắt thường trên toàn tuyến và quay về, không thực hiện lập biên bản," ông Trọng cho hay.

Hơn 15.000 con gà chết ngạt do sự cố điện: Điện lực huyện Phù Ninh lên tiếng - Ảnh 2.

Khẳng định của Phó Giám đốc Điện lực huyện Phù Ninh mâu thuẫn với nội dung tại biên bản làm việc. Ảnh: NVCC

Cần công khai hợp đồng giữa điện lực và khách hàng, xác định điểm mất điện là tài sản của điện lực hay của khách hàng

Theo tìm hiểu của Dân Việt, những lời trả lời trên của điện lực Phù Ninh lại mâu thuẫn với chính biên bản làm việc ngày 29/7 giữa đơn vị này và ông Nguyễn Xuân Ngọc.

Cụ thể, theo biên bản làm việc ngày 29/7, đại diện điện lực huyện Phù Ninh nêu: "Kiểm tra thực tế tại trạm biến áp Phú Mỹ 1, có một đường cấp điện cho ông Hoàng Đức Thắng là chủ thể hợp đồng điện (hiện nay ông Ngọc đang sử dụng) đấu điện từ tủ 0,4 KV xuống hòm H4 đựng aptomat; có điểm nối dây đồng và dây nhôm trước aptomat.

Vào 17 giờ 46 phút ngày 25/7, bộ phận trực vận hành nhận thông tin từ ông Nam (Trưởng phòng kinh doanh) báo khách hàng sử dụng điện là ông Ngọc bị sự cố mất điện tại trạm biến áp Phú Mỹ 1. Đến 18 giờ 02 phút, ông Nguyễn Văn Hiếu- trực chỉ huy sự cố cử hai nhân viên xuất phát lên đường đến điểm khách hàng báo để kiểm tra, xử lý sự cố.

Đến 18 giờ 30 phút, ông Hiếu nhận thông tin từ nhân viên, khách hàng đã có điện. Đồng thời, ông Hiếu liên lạc ngay với ông Ngọc thông báo, để đảm bảo an toàn sẽ cắt điện 5 phút để xử lý tiếp xúc; đến 18 giờ 40 phút xử lý xong và đóng điện trả lại.

Tại biên bản này, có ghi: Điểm sự cố tiếp xúc gây mất pha điện là tiếp xúc giữa dây đồng và dây nhôm, là tài sản của ông Hoàng Đức Thắng đầu tư, lắp đặt từ sau năm 2009. Đến nay, do công suất sử dụng đã tăng cần phải được kiểm tra bổ sung, xử lý đường dây để phù hợp với công suất. Tài sản bên nào thì bên đó có quyền sử dụng, sửa chữa.

Trước ý kiến trên của đại diện điện lực huyện Phù Ninh, kết thúc cuộc làm việc, ông Ngọc nêu rõ vào biên bản: "Tôi không đồng ý với ý kiến kết luận của bên điện lực".

Lý do được ông Ngọc đưa ra, điểm sự cố tiếp xúc (đoạn giữa dây đồng và dây nhôm) gây mất pha điện ngày 25/7 dẫn đến gà của trang trại bị chết ngạt là tài sản quản lý, vận hành của điện lực. Điều này, đã được ghi trong biên bản ngày 25/7 giữa ông và đại diện xã Phú Mỹ khi ông báo thông tin sự cố điện.

"Sự việc xảy ra, tôi là người trực tiếp bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng trang trại giữa ông Thắng với tôi thể hiện rõ, ông Thắng chuyển nhượng và tôi nhận quyền sử dụng trang trại và điện phục vụ chăn nuôi trang trại từ đồng hồ về trang trại. Điểm sự cố tiếp xúc gây mất pha điện (ở trước đồng hồ) không nằm trong hợp đồng của chúng tôi"- ông Ngọc nói.

Vì thế, ông Ngọc kiến nghị, bên điện lực cần công khai minh bạch thông tin, biên bản, hợp đồng điện từ năm 2009 giữa điện lực huyện Phù Ninh với ông Hoàng Đức Thắng. Như vậy sẽ biết rõ điểm sự cố tiếp xúc gây mất pha điện là tài sản của ông Thắng đầu tư, lắp đặt hay là tài sản thuộc quản lý, vận hành của điện lực huyện Phù Ninh.

"Chỉ khi làm rõ được những việc này, thiệt hại kinh tế của tôi mới được xem xét, xử lý triệt để. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa đáng từ điện lực huyện Phù Ninh," ông Ngọc nêu.

 

Đang xin ý kiến chỉ đạo công khai hợp đồng giữa điện lực và khách hàng

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Hoài Nam- Giám đốc Điện lực huyện Phù Ninh cho biết, ngay khi nhận đơn của ông Ngọc, phía điện lực đã có hỏi thăm, chia sẻ và tích cực phối hợp làm việc để làm rõ sự việc.

Đến hôm nay (ngày 9/8), chúng tôi vẫn đang giải quyết, thụ lý đơn của ông Ngọc theo quy trình. Khi có kết quả xử lý sẽ cung cấp thông tin cho quý báo. Về việc công khai, cung cấp hợp đồng điện lập năm 2009 giữa điện lực huyện Phù Ninh và ông Thắng, theo quy trình chúng tôi phải báo cáo lãnh đạo ngành và xin chỉ đạo".

Bạn đang đọc bài viết "Vụ hơn 15.000 con gà chết ngạt ở Phú Thọ do sự cố điện: Mâu thuẫn trong trả lời của điện lực Phù Ninh?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).