Sáng 10-6, sau 2 ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TPHCM dự kiến sẽ tuyên án vụ "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài" sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Tuy nhiên, chủ tọa phiên xử cho biết do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cũng như có kháng cáo kêu oan, HĐXX cần thận trọng xem xét, đánh giá toàn diện vụ án nên quyết định nghị án kéo dài thêm và sẽ tuyên án vào ngày 15-6.
Các bị cáo tại tòa
Chiều qua, phiên tòa diễn ra đến tối muộn, trong phần tranh luận, VKS khẳng định, bản án sơ thẩm xử phạt ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc SAGRI) cùng các đồng phạm là đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, theo VKS, gia đình ông Tuyến có công với cách mạng, có nhiều đóng góp trong quá trình công tác nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho ông từ 6 tháng đến 1 năm tù. Với bị cáo Lê Tấn Hùng - chủ mưu trong vụ án, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, VKS xác định bị cáo thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo 6 tháng đến 1 năm tù.
Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM), theo VKS, bị cáo đã có hành vi sai phạm trong việc tham mưu cho ông Tuyến chấp thuận chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Ông Tuấn là giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, ý thức được tầm quan trọng trong việc thẩm định hồ sơ, bị cáo buộc phải biết chuyển nhượng tài sản nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Luật quản lý vốn, nhưng bị cáo chỉ thực hiện theo Luật kinh doanh bất động sản là thiếu sót. VKS ghi nhận quá trình công tác, ông Tuấn có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen. Tuy nhiên, VKS xác định không oan sai.
Về kháng nghị của Viện trưởng VKSND TPHCM, đại diện VKS tại tòa đề nghị HĐXX chấp nhận số tiền Nhà nước thiệt hại theo kháng nghị là 673 tỉ đồng, không phải là 348 tỉ như án sơ thẩm tuyên.
Trong phần tranh luận tại tòa, đại diện ông Tuyến cho rằng, nguồn gốc và nguyên nhân xảy ra sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án giữa SAGRI và Công ty Phong Phú đều diễn ra trước thời điểm ông Tuyến được phân công nhiệm vụ Phó chủ tịch UBND TPHCM. Quyết định 6077 mà ông Tuyến ký là theo thẩm quyền, nhiệm vụ đã được phân công và thực hiện tiếp tục công việc thuộc lĩnh vực của một Phó chủ tịch khác nghỉ phép sau đó nghỉ làm vì lý do sức khỏe. Ông Tuyến cũng đã cẩn trọng yêu cầu Văn phòng UBND TP kiểm tra, rà soát các vấn đề từ kết luận thanh tra toàn diện đối với SAGRI trước khi ký.
Trình bày về việc kháng cáo kêu oan, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn vẫn cho rằng mình bị oan. Việc kháng cáo kêu oan không phải là không thành khẩn, cố chấp để bảo vệ cái sai, mà ông vẫn bảo vệ quan điểm dự án này chuyển nhượng không phải đấu giá.
Theo ông Tuấn, Quyết định số 6077 chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ dự án là phù hợp quy định của pháp luật. Quyết định này là văn bản hành chính cá biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyết định cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản, không phải là văn bản cho phép chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại SAGRI. Nếu không có quyết định này thì các bên không thể chuyển nhượng dự án bất động sản.
Đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc SAGRI vi phạm pháp luật khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án, mà vì đơn vị không chấp hành chỉ đạo của UBND TP trong Quyết định số 6077. Khi phát hiện sai phạm, SAGRI đã hủy hợp đồng với Phong Phú và đây là giao dịch hợp pháp. Doanh nghiệp chủ động sửa sai và được khắc phục, trước khi khởi tố vụ án. Tài sản nhà nước không bị thất thoát từ việc chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà SAGRI đã đầu tư trong dự án này.
Ngoài ra, án sơ thẩm không buộc bị cáo nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản nên bị cáo không thể phạm tội theo Điều 219 Bộ luật Hình sự - là loại tội phạm cấu thành vật chất, buộc phải có thiệt hại xảy ra và phải bồi thường thiệt hại.
Vụ án này, tháng 12-2021, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Tấn Hùng (58 tuổi, nguyên Tổng giám đốc SAGRI) 14 năm tù về tội tham ô tài sản và 11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (tổng hợp hình phạt chung của 2 tội mà bị cáo Hùng phải chấp hành là 25 năm tù). Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI) 11 năm tù về tội tham ô và 9 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí (tổng hợp hình phạt 2 tội là 20 năm tù).
Ông Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM), Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), Vân Trọng Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SAGRI) cùng mức án 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Hồ Văn Ngon (nguyên Phó tổng giám đốc SAGRI), Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP), Phan Trường Sơn (nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng đô thị thuộc Văn phòng UBND TPHCM) cùng 5 năm tù; Trần Quốc Đạt (nguyên Phó trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng) và Lê Tấn Hòa (chuyên viên phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng) cùng bị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Về tội tham ô tài sản, Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên Trưởng phòng nhân sự hành chính SAGRI) 6 năm tù; Trần Văn Trường (nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong) 7 năm tù; Đoàn Quang Hồi (nguyên Giám đốc Công ty TNHH TMDV Lữ hành Hòa Bình Quốc tế), Nguyễn Thị Nguyên (Kế toán trưởng công ty Hòa Bình Quốc tế), Đỗ Sĩ Hoài Thanh (Kế toán trưởng Công ty Thanh niên xung phong) cùng mức án 5 năm tù.
Bị cáo Dư Huy Quang (nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM, Trưởng phòng Quản lý đất Sở TN&MT), Nguyễn Thị Thanh An (nguyên Kiểm soát viên SAGRI) cùng 3 năm án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm (nguyên Phó trưởng phòng nhân sự hành chính SAGRI) 3 năm án treo về tội che giấu tội phạm.
Sau bản án sơ thẩm, có 7/19 bị cáo kháng cáo. Cụ thể 5 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Lê Tấn Hùng, Trần Vĩnh Tuyến, Nguyễn Thị Thúy, Đoàn Quang Hồi, Nguyễn Thị Tuyết Mai; bị cáo Trần Trọng Tuấn kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan, không làm oan đối với bị cáo. Bị cáo Hồ Văn Ngon kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo theo quy định pháp luật, nhưng sau khi làm đơn kháng cáo thì ông đã qua đời do bệnh nặng.
Bên cạnh việc các bị cáo kháng cáo, Viện trưởng VKSND TPHCM cũng kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng xác định thiệt hại của vụ án là số tiền thực tế nhà nước bị thất thoát tính đến thời điểm được ngăn chặn như cáo trạng truy tố là 672 tỉ đồng.
Nội dung vụ án thể hiện, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM, được giao quản lý 3,75 ha đất tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP.Thủ Đức). Tháng 4/2017, ông Lê Tấn Hùng gửi văn bản cho UBND thành phố, Sở Xây dựng, đề nghị cho phép SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú.
Lê Tấn Hùng, Trần Vĩnh Tuyến và nhiều bị cáo khác là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, chủ chốt của UBND TP, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND TP.HCM, Văn phòng Đăng ký đất đai và SAGRI đều là những cán bộ lãnh đạo có trình độ chuyên môn, có hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm.
Các bị cáo được giao trực tiếp quản lý tài sản nhà nước, quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản nhà nước đối với khu đất tại Dự án KP.4, phường Phước Long B, quận 9, TPHCM.
Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về kinh doanh bất động sản; pháp luật về đất đai và Luật doanh nghiệp; thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản là tài sản nhà nước do SAGRI quản lý sang Tổng công ty Phong Phú không thẩm định giá và không đưa ra đấu giá, trái quy định của pháp luật, đây là những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, hơn 672 tỉ đồng. Hiện số tiền này chưa được thu hồi.
Ngoài ra, Lê Tấn Hùng và các đồng phạm khác tại SAGRI, Công ty Du lịch Thanh niên xung phong, Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế còn thực hiện các hành vi lập khống chứng từ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô số tiền hơn 13,3 tỉ đồng của SAGRI.
Sau khi chiếm đoạt được số tiền trên, Lê Tấn Hùng, Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng phòng nhân sự hành chính thuộc SAGRI) chiếm hưởng chi tiêu chung hơn 8,9 tỉ đồng.