Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tràn lan ở thị trấn Thanh Miện từ chuyện dân "kêu" đất "bốc hơi"

04/06/2022 13:24

UBND xã Lê Bình (nay là UBND thị trấn Thanh Miện) ký vào mục đích chuyển thành đất ở, nhưng các hộ dân không làm chuyển đổi vẫn tự ý làm nhà.

Lạ đời chuyện hàng xóm ngang nhiên lấn đất

Vừa qua, Tòa soạn Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Hữu Bật có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương). Hiện nay, gia đình ông Bật và gia đình ông Hoàng Văn Đô, gia đình ông Hoàng Văn Thợi (cùng địa phương) đang có tranh chấp đất đai, ông Bật cho rằng hộ ông Đô lấn đất của gia đình mình là 76m2 và hộ ông Thợi lấn 82m2.

Theo ông Nguyễn Hữu Bật cho biết, gia đình đang quản lý, sử dụng một số thửa đất có diện tích khoảng 1.500m2 tại thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Bao gồm thửa đất số 93 và 94, tờ bản đồ địa chính số 7 có tổng diện tích 420m2 và cả hai thửa đất đã được UBND huyện Thanh Miện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 03/11/1993. Và một thửa đất số 67, tờ bản đồ địa chính số 7 có diện tích 1.080 m2, diện tích thửa đất này gia đình tôn tạo từ năm 1994.

Giáp ranh giới với thửa đất của gia đình là thửa đất của hộ ông Hoàng Văn Đô, thửa đất số 69, tờ bản đồ địa chính số 7 có diện tích 370m2 và  thửa đất của hộ ông Hoàng Văn Thợi, thửa đất số 92, tờ bản đồ địa chính số 7 có diện tích 360m2. Cả 2 thửa đất này đã được UBND huyện Thanh Miện cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất từ năm 1993. 

3bb1037af254320a6b45

Ông Nguyễn Hữu Hơn (con ông Bật) khẳng định gia đình ông đã bị hàng xóm lấn chiếm đất.

Không dừng lại ở đó hộ ông Hoàng Văn Đô và hộ ông Hoàng Văn Thợi có đơn kiến nghị gửi đến UBND thị trấn Thanh Miện. Theo đó, dù tuyến đường bê tông vào nhà ông Đô và ông Thợi đều có rãnh thoát nước thải và các hộ dân xung quang để sử dụng tuyến rãnh này. Tuy nhiên, gia đình 2 hộ nói trên không cho nước chảy ra rãnh chung mà chảy trực tiếp xuống khu đất nhà tôi và làm đơn đòi nhà tôi phải cắt 1 – 2 m đất để 2 hộ này làm rãnh thoát nước như vậy là quá vô lý.

Qua tìm hiểu được biết, từ khi có tranh chấp đất đai với 2 hộ gia đình hàng xóm, không những bị lấn đất trong sổ đỏ mà còn lấn đất vườn và đòi hỏi đất làm rãnh thoát một cách vô lý. Gia đình ông Bật đã nhiều lần làm đơn lên UBND thị trấn Thanh Miện đề nghị giải quyết, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì diện tích đất trong sổ của gia đình ông Bật càng ngày càng nhỏ đi với thực tế còn 2 hộ nói trên lại có diện tích “nở” ra.

Ông Nguyễn Hữu Bật hiện là thương binh hạng ¼ với nhiều vết thương trên người, bom đạn đã khiến ông mất đi 1 lá phổi phải thường xuyên thở bình oxy. Ông cũng là nạn nhân chất độc da cam Đi-ô-xin.

“Mặc dù có hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất nhưng hộ ông Hoàng Văn Thợi và hộ ông Hoàng Văn Đô vẫn kiến nghị đến UBND thị trấn Thanh Miện xử lý việc sử dụng đất của gia đình tôi trong khi gia đình tôi không có vi phạm pháp luật về đất đai” - ông Bật bức xúc.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Bật quá trình giải quyết đơn kiến nghị ông Đỗ Quý Can, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện biết rõ những sai phạm về việc sử dụng đất của hộ thấy gia đình ông Hoàng Văn Đô, có con trai là Hoàng Văn Thông (Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện). Lẽ ra, với những người hiểu biết pháp luật như ông Đỗ Quý Can và ông Hoàng Văn Thông thì phải đề nghị các cơ quan chức năng phải giải quyết theo đúng quy định để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giữ uy tín cho Đảng bộ, cán bộ của thị trấn Thanh Miện. Và cứ thế đất của hộ gia đình ông Bật "bốc hơi".

Đất nông nghiệp nhưng đua nhau xây nhà kiên cố

Năm 1994, ở xã Lê Bình (nay là UBND thị trấn Thanh Miện) xuất hiện 1 hợp đồng “lạ” đó chính là biên bản đấu thầu ao, hồ, đầm, gò, đồng do đại diện bên A là UBND xã Lê Bình và hơn 60 hộ dân trên địa bàn toàn xã. Hình thức là đấu thầu ao hồ để sản xuất nông nghiệp tuy nhiên hơn 60 hộ dân được ngầm hiểu là chính quyền địa phương đã bán trực tiếp những ô, thửa, đất ao hồ cho mình. Người dân được nhận giao khoán có thời gian dài hạn và thu tiền một lần.

1780f2b51c9bdcc5858a

Hiện, gia đình ông Hoàng Văn Thông –  Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện đang xây dựng một căn nhà tại khu vực này.

Gần 30 năm nay, hơn 60 hợp đồng giao khoán nói trên được không thấy ruộng canh tác, ao hồ thầu khoán đâu chỉ thấy mọc lên những dãy nhà tầng bê tông cốt thép.

Ông Nguyễn Văn Đ. một người dân tại thị trấn Thanh Miện cho biết: “Trước chúng tôi đều mua đất theo hình thức như vậy và hiện nay đã xây được nhà cả rồi. Thời điểm đó, bỏ ra hơn 1 triệu – 2 triệu đồng là số tiền lớn lắm. Nhà tôi chẳng có còn phải vay ngân hàng để có tiền mua. Con cái lớn lập ra đình thì cho chúng nó đất đó để xây nhà, cả dãy đất thầu khoán người ta đều xây được nhà, xã cũng để cho người dân xây”.

Qua tìm hiểu được biết, hàng loạt ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp dọc theo đường 392C khu An Lạc và Vô Hối thị trấn Thanh Miện chỉ mới được người dân xây dựng mấy năm gần đây. Không chỉ người dân xây dựng nhà trái phép, hiện gia đình ông Hoàng Văn Thông – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện cũng đã xây dựng nhà trên diện tích 230m và nằm trong danh sách hơn 60 hộ dân mua đất thầu khoán từ năm 1994. Được biết, ngày 17/03/2022, ông Thông đứng trực tiếp chỉ đạo đào móng làm nhà.

282164600_548505393576074_2846724454753432904_n

Ông Đỗ Quý Can – Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Miện khẳng định không có rãnh nước thải, tuy nhiên trước cổng hộ gia đình ông Đô và ông Thời có sẵn rãnh thoát nước chung của nhiều hộ gia đình.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quý Can – Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Miện được biết: “Trong quá khứ, UBND xã Lê Bình ký vào mục đích chuyển thành đất ở, nhưng các hộ dân không làm chuyển đổi mà vẫn tự ý làm nhà. Sau đấy, chúng tôi cũng đã báo cáo ủy ban nhân huyện để xử lý tồn tại (báo cáo bằng miệng qua nhiều hội nghị).

Riêng việc liên quan đến tranh chấp đất đai của hộ nhà ông Bật thì phải có đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai, nếu thấy lấn thì phải làm đơn ra thị trấn chúng tôi sẽ giải quyết”.

Khi được hỏi vì sao đất thầu khoán nuôi trồng thủy, hải sản lại bị các hộ dân xây dựng nhà ở kiên cố, ông Đỗ Quý Can thẳng thắn chia sẻ: “Cái đấy là quá khứ trước kia, tồn tại lâu lắm rồi, bây giờ thì không làm được nhưng trước kia vẫn làm được nhà. Ngôi nhà mới xây đổ mái nằm trong diện thầu khoán. Mình chấp nhận nó là quá khứ như 62 hộ kia, các hộ trước làm được nên bây giờ bọn anh không cản người ta xây. Đất của tất cả cả các hộ trên đều chưa có bìa đỏ…”

Liên quan đến nội dung trên, ông Nhữ Văn Cúc – Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện khẳng định, UBND huyện Thanh Miện đã nhận được đơn thư của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bật và đang giao cho Phòng TN&MT huyện lập đoàn kiểm tra xác minh. Sai phạm thì trách nhiệm của UBND thị trấn giải quyết.

“Đất thầu khoán thị trấn cho chuyển đổi rất lâu rồi, các hộ dân làm nhà trên đất đòi làm bìa nhưng luật đất đai làm sao cấp bìa được. Nếu có trường hợp xây mới thời điểm bây giờ là sai phạm và trách nhiệm của UBND thị trấn. Chủ tịch xã mà nói dân được xây và không ngăn cản là sai, ai cho phép mà được phép xây. Huyện đã giao Thanh tra và Phòng tài nguyên lập đoàn thanh tra, khi có kết quả sẽ thông tin lại”, Ông Cúc nói thêm.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tràn lan ở thị trấn Thanh Miện từ chuyện dân "kêu" đất "bốc hơi"" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).