Yeah1 (YEG): "Sự cố với YouTube" và cú trượt dài trong hoạt động kinh doanh. |
"Sự cố với YouTube" khiến kết quả kinh doanh Yeah1 trượt dài
Nhắc tới Yeah1, vụ lùm xùm chấm dứt hợp đồng lưu trữ nội dung với YouTube hồi tháng 3/2019 có thể coi là khủng hoảng truyền thông lớn nhất của công ty.
Sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe, công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 nắm giữ 16,5% cổ phần, hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube. Điều này đã khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.
Sau nhiều lần gia hạn rồi thương lượng không thành, ngày 22/5/2019, Yeah1 và YouTube chính thức "chia tay". Trong thông cáo của mình, YouTube nhấn mạnh việc Yeah1 và các công ty con bị phát hiện lặp lại các lỗi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của YouTube.
Trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, phải thừa nhận sự cố với YouTube và cả câu chuyện xung quanh cuộc chiến truyền thông về giá trị của Yeah1 đã khiến công ty có những bài học trả giá cực kỳ đắt.
Một năm sau sự cố từ YouTube, cổ phiếu của Yeah1 bị đưa vào diện cảnh báo vào tháng 4/2020 vì kinh doanh thua lỗ. Theo đó, Tập đoàn Yeah1 đã lỗ liên tiếp hai năm sau khi niêm yết trên sàn vào ngày 26/6/2018.
Sang năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM mới đây có văn bản quyết định chuyển cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát.
Theo quyết định trên, nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ năm 2019 âm 385,3 tỷ đồng, LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2020 âm 181,6 tỷ đồng và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 219,3 tỷ đồng.
Và kết thúc quý 1/2021, Tập đoàn Yeah1 tiếp tục ghi nhận con số lỗ ròng trên 45 tỷ đồng.
Trong trường hợp kết quả sản xuất kinh doanh của một công ty thua lỗ ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, doanh nghiệp sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định hiện hành.
Yeah1 đã liên tiếp thua lỗ trong hai năm, nếu không có lãi trở lại trong năm nay, nhiều khả năng cổ phiếu YEG sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc.
(Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của Yeah1) |
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn hậu chia tay YouTube, Yeah1 cũng đã có những nỗ lực để vực dậy. Cuối năm 2019, Yeah1 ra mắt AppNews, một ứng dụng được kì vọng sẽ thay đổi ngành báo chí Việt bằng kế hoạch thu phí người đọc.
Tuy nhiên tới nay, AppNews có thể nói là một kế hoạch thất bại khi không đạt kỳ vọng (mới có hơn 500 lượt tải xuống trên Android).
Mới đây, Yeah1 cũng cho biết sẽ dấn thân vào mảng tiêu dùng và bán lẻ bằng mô hình phân phối-bán hàng-truyền thông (M2C). Tuy nhiên tính khả thi mô hình cũng vẫn là dấu hỏi khi thị trường bán lẻ nội địa vẫn đang là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp lớn hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn.
Cổ phiếu “lao dốc không phanh” và giọt nước mắt nhà đầu tư
Cổ phiếu YEG của Yeah1 lên sàn hồi tháng 6/2018, với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 300.000 đồng/cổ phiếu và từng có thời điểm mã này gần chạm ngưỡng 350.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên đến hiện tại thì cổ phiếu của Tập đoàn yeah1 đã mất khoảng 90% giá trị.
Diễn biến giá cổ phiếu YEG từ khi chào sàn đến nay. |
Liên quan đến cổ phiếu YEG, bà Trần Uyên Phương (ái nữ của ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) vừa đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu YEG với mục đích tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 24/5 - 23/6/2021 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Bà Phương hiện nắm giữ hơn 6,75 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 21,6% vốn điều lệ. Nếu bán xong 4 triệu cổ phiếu trên, bà Phương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại YEG xuống còn 8,8% vốn điều lệ.
Trước đó, trong 3 ngày từ 17 - 19/2/2020, bà Phương đã chi khoảng 300 tỷ đồng để mua vào 6,05 triệu cổ phiếu YEG, tương đương mức giá trung bình khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, khoản đầu tư này đã "bốc hơi" hơn một nửa, khi giá cổ phiếu YEG giảm xuống còn 21.800 đồng/cổ phiếu (theo giá kết phiên sáng 24/5).