Bệnh viên đa khoa Hồng Ngọc: Nhiều tai tiếng, khách hàng mất dần niềm tin

08/06/2021 21:11

Trước khi bị Sở Y tế Hà Nội ra quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh vào 14/5/2021, cái tên Hồng Ngọc từng dính không ít điều tiếng, khiến khách hàng hoài nghi về cơ sở này.

Từ một phòng khám nhỏ được thành lập năm 2003, đến nay trải qua 18 năm phát triển, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã trở thành thương hiệu riêng trong lĩnh vực y tế, thuộc top đầu bệnh viện tư nhân chất lượng tại miền Bắc. Đáp ứng nhu cầu thăm khám ngày càng cao cũng như sự tin tưởng của khách hàng, Bệnh viện Hồng Ngọc đã xây dựng thêm nhiều cơ sở mới, phủ rộng khắp các quận của Hà Nội.

Hiện nay Hệ thống Y tế Hồng Ngọc có 7 cơ sở gồm 5 phòng khám vệ tinh và 2 bệnh viện, tọa lạc tại các quận Ba Đình, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc đăng ký lần đầu tại Phòng đăng ký Kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội ngày 12/12/2011, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 18/9/2014.

Địa chỉ trụ sở chính tại B050 - Tầng 1, toà nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của Y tế Hồng Ngọc là Buôn bán đồ dùng khác cho gia đình (Bán buôn dụng cụ y tế; nhà thuốc). Vốn điều lệ Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc đạt 6,9 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Nguyễn Ngọc Long, SN 1983 (địa chỉ thường trú tại Số 14, Lương Văn Can, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông Long cũng là chủ sở hữu khi năm giữ 100% cổ phần của Y tế Hồng Ngọc.

Tìm hiểu được biết cá nhân ông Long và Y tế Hồng Ngọc ngoài sở hữu hệ thống phòng khám mang tên "Hồng Ngọc" còn góp vốn vào Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh thành lập Bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình (số 8 Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Ở thời điểm tháng 2/2020, An Sinh - Phúc Trường Minh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc nắm giữ 5,33% vốn; ông Nguyễn Ngọc Long (thường trú tại 80B phố Yên Ninh, P. Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội; từng thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 61,33%; bà Vũ Thị Hồng Tuyết (thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 33,34% vốn.

Theo giới thiệu, Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh hay Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cơ sở Mỹ Đình là hai tên gọi của cùng một dự án bệnh viện thông minh do Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là chủ đầu tư, tọa lạc tại số 8 Châu Văn Liêm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tuy nhiên, tên "khai sinh" của bệnh viện này chính là Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh, do Công ty TNHH bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 10/5/2011 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013. Thế nhưng, sau một thời gian khởi công, dự án rơi vào cảnh đắp chiếu. Bãi đất trống được sử dụng làm bãi đỗ xe tự phát.

Đến năm 2019, Dự án mới được triển khai lại. Tuy nhiên, khởi đầu của BV An Sinh gặp không ít tai tiếng khi Chủ đầu tư tiến hành xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, gây bức xúc cho dư luận.

Câu hỏi đặt ra là, dù sở hữu thương hiệu y tế tư nhân Hồng Ngọc được hình thành, xây dựng và phát triển 18 năm, tại sao bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình lại mượn danh bệnh viện An Sinh TP.HCM để rồi phải đổi tên?

 Trước những thông tin phản ánh việc xây dựng không phép, đầu tháng 10/2019, UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản số 1975/UBND-QLĐT về dự án Bệnh viện An Sinh.

Theo văn bản này, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã phát hiện và đề xuất việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này.

UBND quận Nam Từ Liêm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (số 2853) đối với Công ty TNHH BVĐK tư nhân An Sinh – Phúc Trường Minh số tiền 40 triệu đồng với hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.

Giới chuyên môn cho rằng, việc "mượn danh" của Bệnh viện An Sinh ở thời điểm năm 2011 khi Hồng Ngọc chưa phải là thương hiệu mạnh trong phân khúc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp, và chưa có thương hiệu trong dịch vụ Sản phụ khoa và Nhi sơ sinh. Ngoài ra, không ngoại trừ khả năng Dự án bệnh viện nói trên buộc đổi tên vì sự can thiệp chủ sở hữu thật sự của cái tên Bệnh Viện An Sinh.

Trước đó, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh vừa ký Quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh đối với Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc 2 do chưa đảm bảo công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh nghi nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

"Theo quy định, phòng khám được cấp phép hoạt động ở tầng 10 toà nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, khu vực dưới tầng 1 đang điều chỉnh để phân luồng tránh bệnh nhân đi vào khu vực thang máy chưa đảm bảo đủ điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động để điều chỉnh. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu đủ điều kiện đảm bảo sẽ cho phòng khám hoạt động lại", ông Nguyễn Quang Trung cho biết.

Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc 2 không được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 14/5. Đây là phòng khám trực thuộc Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc, có địa chỉ tại Tầng 10, tòa nhà 70 tầng, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Khu E6, Khu đô thị Cầu Giấy Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do ông Phạm Đức Thịnh là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.

Với những mập mờ nghi vấn chưa được làm rõ trên đang khiến không ít khách hàng hoài nghi về sự trung thực của Bệnh viện tư nhân này.

Bạn đang đọc bài viết "Bệnh viên đa khoa Hồng Ngọc: Nhiều tai tiếng, khách hàng mất dần niềm tin" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).