Thị trường chứng khoán liên tục ghi nhận sự suy giảm rõ rệt, khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư lo ngại khi không biết đâu là thời điểm để quay lại thị trường. Sau 6 tháng giao dịch, VN-Index đã giảm tổng cộng 300 điểm, tương ứng 20,07% so với thời điểm cuối năm 2021 và nằm trong top chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới.
Chỉ số VN-Index mất 7,36% trong tháng 6 và lùi về dưới mốc 1.200 điểm; thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể, riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 6 giảm hơn 30% so với mức trung bình trong nửa đầu năm nay.
Tháng 7 là khoảng thời gian các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2 và bán niên, đây là nguồn thông tin quan trọng tạo động lực cho thị trường chứng khoán. Thực tế, VN-Index cũng có xác suất tăng điểm khá cao trong tháng 7 với 6/10 năm gần nhất khởi sắc, đặc biệt là chuỗi 5 năm tăng liên tiếp trong tháng 7 từ 2013 - 2017.
Tuy nhiên, xu hướng đã bắt đầu đảo chiều trong 2 năm qua, thị trường có nhiều diễn biến không được thuận lợi trong tháng 7 với VN-Index đều giảm khá sâu. Trong năm 2021, chỉ số này thậm chí còn giảm gần 7%, ghi nhận mức biến động mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Lý giải cho biến động không thật sự thuận lợi trong 2 năm qua chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách làm hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh, tác động tiêu cực đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Điều này phần nào khiến thị trường thiếu đi động lực.
Lưu ý rằng, trước khi bước vào tháng 7 của 2 năm gần nhất, thị trường đều đã có những giai đoạn tăng mạnh kéo dài. Do đó, áp lực chốt lời là điều khó tránh khỏi, VN-Index biến động không thật sự thuận lợi cũng không quá bất ngờ.
Mặt khác, bối cảnh năm nay đã có sự thay đổi rõ rệt khi thị trường vừa trải qua quý 2 đầy sóng gió, VN-Index đã mất 20% sau 3 tháng giảm liên tiếp và đang dao động quanh vùng đáy 15 tháng. Thanh khoản dần cạn kiệt cho thấy nguồn cung cổ phiếu cũng đã phần nào vơi dần sau những nhịp giảm sâu liên tiếp gần đây.
Trong ngắn hạn, rất khó có thể dự báo chính xác biến động thị trường, tuy nhiên triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ tình hình vĩ mô ổn định, mức định giá tương đối hợp lý và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao.
VN- Index ngược dòng và chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong 6 tháng cuối năm
Tại buổi tọa đàm "Đầu tư tài chính 2022 – Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức chiều ngày 29/6 tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi: liệu thị trường chứng khoán của Việt Nam đã bắt đáy hay chưa? Khi nào là thời điểm thuận lợi để đón bắt cơ hội?…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, có khả năng VN- Index sẽ quay ngược dòng và chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Do đó, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi.
"Đây là lúc nên chọn "ngủ yên" hơn "ăn ngon" với những chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ và phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro cao. Đi tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính ổn định.
Cuối cùng là nhà đầu tư phải có điểm cắt lỗ và chốt lời và thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo một chiến lược đã xây dựng", TS.Nguyễn Trí Hiếu phân tích và cũng đưa ra một số đề xuất cho Ngân hàng Nhà nước - cơ quan đang chịu nhiều áp lực của việc kiểm soát lạm phát nhưng không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn 2019-2021-2022, thị trường chứng khoán có bước phát triển, tuy rằng khả năng trồi sụt cao, đặc biệt là trong năm 2022. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là vấn đề lòng tin và cơ sở pháp lý.
Theo đó, các văn bản hiện hữu như Luật Chứng khoán hay các nghị định liên quan tới phát hành trái phiếu… cần phải chặt chẽ hơn. Nhà nước cần có sự điều hành một cách thống nhất để định hướng thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chủ trương điều hành trên nền tảng số.
Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính tích cực hoàn thiện quy trình và pháp lý quản lý thị trường chứng khoán, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra các hoạt động trên thị trường. Hy vọng, những điều này sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Trong số những chuyên gia và nhà đầu tư tham gia tọa đàm, TS. Lê Công Hội, tới từ Australia chia sẻ, đầu tư chứng khoán phái sinh là sản phẩm mới mà nhà đầu tư nên tham gia bởi cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận ở những sản phẩm mới tốt hơn. Cùng với đó, khi thị trường tăng hay giảm đều có cơ hội kiếm lợi nhuận khi giao dịch hai chiều, điều quan trọng là nhận định được xu hướng thị trường.
Thị trường phái sinh cũng không giới hạn giờ giao dịch, giao dịch được nhiều lần trong phiên, không hạn chế thanh khoản và hạn chế giao dịch. "Khi mở phái sinh chúng ta có thể mở đóng trong ngày, tài sản không gặp rủi ro khi thị trường tăng hay giảm vào hôm sau. Thị trường phái sinh bám theo VN30. Do đó nên mở rộng bộ chỉ số VN30 thành bộ chỉ số VN50", ông Lê Công Hội đề xuất.