Các ngân hàng hiện cho vay bất động sản ra sao?

27/08/2022 08:53

Khảo sát dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn khá cao.

Tại Vietcombank (VCB), tổng dư nợ đạt 1,1 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022, tăng 14,4% so với đầu năm.

Trong khi đó, dư nợ cho vay mua nhà tại VCB vẫn là lớn nhất trong tổng dư nợ khách hàng cá nhân. Theo đó, đến cuối quý 2/2022, dư nợ cho vay mua nhà chiếm 26% tổng dư nợ tại VCB.

VCB chủ yếu cho những khách hàng vay có nhu cầu mua nhà đất. Đối với các dự án chung cư, ngân hàng liên kết với CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) với dự án Akari; CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) với các dự án Verosa Park, Phú Mỹ Hưng, Sunshine; CTCP Vinhomes (VHM) với dự án Grand Park),…

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tính đến tháng 6/2022, tổng dư nợ đã tăng 40.000 tỷ đồng, tương đương tăng 9,4% so với đầu năm và tăng 4,5% so với quý trước.

Trong số đó, 21,7 nghìn tỷ đồng được dành cho vay mua nhà, và 11,6 nghìn tỷ đồng là từ cho vay các hộ kinh doanh.

Tỷ trọng dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản, cả dư nợ vay và trái phiếu, tại BIDV ở mức khoảng 3% tổng dư nợ.

Tổng dư nợ cho vay mua nhà chiếm 14% tổng dư nợ toàn ngân hàng. Trong đó, tỷ trọng cho vay nhà đất và căn hộ chung cư/dự án là 70% so với 30%. Nợ xấu của các khoản cho vay mua nhà tại thời điểm 30/6 là 1,1%.

BIDV hiện có quỹ dự phòng khoảng 21,8 nghìn tỷ đồng là số dư dự phòng dành cho các khoản nợ tái cơ cấu, trong khi phần còn lại được dành cho nợ xấu.

Còn tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), trong quý 2/2022, cho vay khách hàng cá nhân và DNVVN theo đó tăng lần lượt 7,7% và 3,1% so với quý trước.

Đối với lĩnh vực cho vay khách hàng cá nhân, 6 tháng đầu năm, VietinBank ưu tiên cho vay mua nhà dài hạn. Điều này thể hiện qua việc tín dụng trong phân khúc này tăng 28% so với đầu năm.

Tổng số dư dự phòng của VietinBank tính đến cuối tháng 6 là 31,6 nghìn tỷ đồng, đủ để trang trải nợ quá hạn với tổng số dư là 32 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ nhóm 5 tăng mạnh do các khoản nợ tái cơ cấu. Dư nợ nhóm 5 tăng 4,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% so với quý trước, mặc dù VietinBank đã xóa 4,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương với 0,4% tổng dư nợ.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), dù ưu tiên tái cấu trúc tài sản, nhưng tỷ trọng dư nợ bất động sản vẫn ở mức cao.

Cụ thể, trong quý 2/2022, MSB ghi nhận tổng dư nợ tín dụng tăng 8,5% so với đầu năm, đạt 113,5 nghìn tỷ đồng.

Dư nợ cho vay mua nhà tăng 30,4% so với đầu năm và cho vay kinh doanh vật liệu xây dựng tăng 151% so với đầu năm. Đây là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của MSB trong 6 tháng đầu năm.

Dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản đang được thu hẹp dần sau khi giảm 9,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà, cho vay xây dựng và bất động sản trong tổng dư nợ lần lượt đạt khoảng 13,6% (15 nghìn tỷ đồng), 12% (13,2 nghìn tỷ đồng), và 9,7% (10,7 nghìn tỷ đồng).

Ngoài 1,3 nghìn tỷ đồng dư nợ trái phiếu cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của MSB chủ yếu cho lĩnh vực bất động sản và xây dựng, lần lượt đạt 1 nghìn tỷ đồng và 500 tỷ đồng.

Phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu tại MSB đến từ các DNVVN, đặc biệt là cho vay các chủ đầu tư bất động sản, chiếm khoảng 69%. Tại quý 2/2022, khoảng 114 tỷ đồng nợ tái cơ cấu, chiếm 4% tổng dư nợ cơ cấu tại quý 4/2021, đã trở thành nợ xấu.

Điều này cho thấy tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng của MSB là khá cao và đáng lo ngại.

Với Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), điều bất ngờ là dẫn dắt tăng trưởng tín dụng lại đến từ hoạt động cho vay hộ kinh doanh và cho vay lĩnh vực nông nghiệp. Trong tháng 6, tỷ trọng dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cho vay lĩnh vực nông nghiệp và cho vay mua nhà lần lượt chiếm 19%, 13% và 13% tổng dư nợ tín dụng.

Dư nợ cho vay xây dựng, cho vay chủ đầu tư bất động sản và cho vay trái phiếu doanh nghiệp lần lượt chiếm 6%, 6% và 3% tổng tín dụng vào quý 2/2022.

HDBank là ngân hàng đứng thứ sáu (trong số các ngân hàng niêm yết) về tỷ trọng dư nợ bất động sản. Một nửa số dư trái phiếu doanh nghiệp tại HDBank là trái phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng, với thời gian đáo hạn là tháng 9 hoặc tháng 12 năm 2024, tài sản thế chấp là dự án Long Tân và cổ phiếu DIG.

Đối với cho vay chủ đầu tư bất động sản, hầu hết những chủ đầu tư bất động sản này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường. Ngân hàng cho hay, khoảng 85-87% dư nợ cho vay xây dựng và cho vay chủ đầu tư bất động sản có tài sản đảm bảo.

Một ngân hàng TMCP cỡ lớn là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng trong quý 2 đạt 441 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm và giảm 0,3% so với quý trước.

Trong quý 2, dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản, xây dựng, vật liệu lại giảm 5 nghìn tỷ đồng (4%) và trái phiếu doanh nghiệp giảm 27 nghìn tỷ đồng (36%) so với quý trước.

Khoản dư nợ giảm đi này được tận dụng để tăng dư nợ cho vay mua nhà với mức tăng 33,9 nghìn tỷ đồng (25%) so với quý trước.

Khoản dư nợ cho vay mua nhà tăng lên trong quý 2/2022 là mức tăng theo quý lớn nhất trong lịch sử của ngân hàng, điều này có thể đến từ việc giải ngân một số dự án lớn của Vinhomes, một trong những khách hàng lớn nhất của Techcombank.

Trong khi tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn tăng lên và chiếm hơn 75% tổng dư nợ tín dụng, tỷ trọng cho vay chủ đầu tư bất động sản của Techcombank đã giảm xuống 32%.

Về mặt huy động vốn, điều khá bất ngờ là tỷ lệ CASA của Techcombank giảm xuống còn 47,4% trong quý 2, điều này khiến chi phí huy động bình quân tăng lên 2,2%.

Bạn đang đọc bài viết "Các ngân hàng hiện cho vay bất động sản ra sao?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).