Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 69 điểm, tương đương 0,2%, xuống còn 35.031 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,13% còn 4.514 điểm. Đây là phiên đi xuống thứ ba liên tiếp của cả hai chỉ số này.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,57% và kết phiên ở 15.286,6 điểm, đi xuống lần đầu tiên trong 5 phiên gần đây.
Trước đó vào phiên 7/9, Dow Jones mất 260 điểm. Thứ Sáu tuần trước, chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này cũng đóng cửa trong sắc đỏ sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo thị trường việc làm gây thất vọng. Triển vọng thị trường tháng 9 vẫn còn khá mờ mịt khi biến thể Delta khiến dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng với hàng trăm nghìn ca mới mỗi ngày.
Hình minh họa |
Theo CNBC, nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị cho nhiều biến động trong tháng 9. Lịch sử cho thấy tháng 9 là một trong những giai đoạn tiêu cực nhất trong năm đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Năm nay, giá cổ phiếu có thể biến động mạnh, đặc biệt là khi S&P 500 đã tăng hơn 20% trong so với đầu năm mà chưa có lần nào điều chỉnh quá 5%.
Chuyên gia chiến lược thị trường Andrew Sheets của Morgan Stanley nhận định: "Hai tháng 9 và 10 sắp tới mang theo những rủi ro rất lớn liên quan tới tăng trưởng, chính sách và chương trình lập pháp".
Tính từ đầu tháng 9 đến nay, S&P 500 đã giảm khoảng 0,2%, Dow Jones mất 0,9% và Nasdaq nhích lên gần 0,2%.
Một trong những nhân tố khiến nhà đầu tư bán ra có thể là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng rút bớt các chính sách hỗ trợ tiền tệ từng được công bố trong đại dịch.
Chủ tịch Jerome Powell đã nói rằng Fed nhiều khả năng sẽ giảm bơm tiền trong năm nay nhưng sẽ chưa vội tăng lãi suất.
Ngày 8/9, Bộ Lao động Mỹ công bố kết quả khảo sát cho thấy số vị trí cần tuyển dùng tăng lên mức cao kỷ lục 10,9 triệu trong tháng 7. Số vị trí cần tuyển dụng lớn hơn số người thất nghiệp hơn 2 triệu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng.
Trong cuốn Sách Be (Beige Book) được công bố định kỳ 8 lần mỗi năm, Fed cho biết doanh nghiệp Mỹ đang phải chống chọi với lạm phát tăng, tình hình càng trầm trọng thêm khi hàng hóa thiếu hụt, chi phí tăng sẽ được đẩy sang phía người tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực.
Fed cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng "đã giảm nhẹ xuống mức vừa phải hơn" giữa nhiều lo ngại về dịch bệnh trong giai đoạn tháng 7-8 vừa qua.
"Sự giảm sút trong hoạt động kinh tế chủ yếu có nguyên nhân từ việc người dân giảm ăn nhà hàng, ít di chuyển và du lịch hơn trước do lo ngại biến thể Delta", báo cáo của Fed cho biết.