Cổ phiếu bất động sản giảm nhiều
VN-Index cả tuần "bốc hơi" 34,44 điểm nhưng chỉ riêng hai ngày cuối lại giảm 40,9 điểm. Việc hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh đã thông tin sớm hơn nhiều so với thời điểm giảm sốc. Cổ phiếu bất động sản nói chung đã điều chỉnh trước.
Không khó để thấy rất nhiều cổ phiếu bất động sản giảm giá liên tục cả tuần, biên độ giảm rất mạnh. Đơn cử NVT giảm 22,1%, HQC giảm 16,8%, ASM giảm 15,2%, DXG giảm 14%, QCG giảm 12,6%, PTL giảm 15,9%, DIG giảm 14,2%... Trong số 10 cổ phiếu giảm giá sâu nhất sàn HoSE tuần qua thì có tới 6 mã bất động sản (tính cả ROS).
Một trong những lý do được nêu lên là cùng với sự kiện hủy trái phiếu của Tân Hoàng Minh, cơ quan quản lý cũng phát đi thông điệp siết phát hành trái phiếu bất động sản và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này. Nhiều nhà đầu tư thậm chí cho rằng đây là “cú đánh bồi” khiến thị trường suy sụp mạnh tuần qua.
Tuy nhiên liệu thị trường thật sự lo ngại về các yếu tố nói trên để VN-Index bốc hơi gần 41 điểm chỉ trong 2 ngày cuối tuần và mất hơn 34 điểm cả tuần qua? Câu chuyện không hẳn như vậy. Nếu nhìn vào cơ cấu điểm số mất đi của VN-Index trong tuần, BID giảm 5,5% trong tuần mới là cổ phiếu gây ảnh hưởng nhất, tiếp đó là VNM giảm 5,4%, DIG giảm 14,2%, SHB giảm 9,5%, TCB giảm 2,9%. Duy nhất DIG là thuộc nhóm bất động sản.
Điều này thể hiện rằng yếu tố điểm số giảm của VN-Index không xuất phát từ nhóm ngành – cụ thể là bất động sản – nên dù thực sự nhóm này bị tác động thông tin thì cũng không phải là yếu tố điều hướng thị trường giảm. Cổ phiếu ngân hàng và nhiều blue-chips điều chỉnh 2 ngày cuối tuần mới là lý do chính. Các mã này lại không liên quan nhiều đến trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Mặt khác, cổ phiếu bất động sản giảm giá cả loạt tuần qua cũng đã xuất hiện từ sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết về tội thao túng thị trường chứng khoán. Phần lớn các mã bất động sản có yếu tố đầu cơ rất cao.
Việc VN-Index mất hơn 34 điểm trong tuần là một diễn biến đáng chú ý. Đồng thời một nửa số blue-chips của rổ VN30 có giá đóng cửa ở mức thấp nhất tuần, nghĩa là áp lực bán đã xuất hiện tập trung vào cuối tuần. Tuy vậy không có cổ phiếu nào đóng cửa bằng hoặc thấp hơn mức giá thấp nhất trong vòng 2 tuần. Như vậy đáy ngắn hạn vẫn chưa bị phá vỡ.
Tâm lý lấn át lý trí
Nhìn vào độ rộng của VN-Index trong hai phiên cuối tuần qua, ngày nào số lượng cổ phiếu giảm giá cũng gấp 3 lần số tăng giá. Điều này phản ánh hiện tượng bán tháo diễn ra khắp thị trường, rất ít cổ phiếu đi ngược dòng. Một thị trường giảm toàn diện luôn là một thị trường bị chi phối bởi tâm lý, vì không bao giờ có chuyện một sự kiện hay thông tin nào đó tác động tới tất cả các doanh nghiệp, trừ khi khủng hoảng.
Hai mạch thông tin nổi bật trong 2 tuần trở lại đây là xử lý hình sự một số cá nhân sai phạm và áp lực siết tín dụng bất động sản. Yếu tố thứ nhất là tốt cho thị trường, tăng tính minh bạch dù ảnh hưởng tới một nhóm cổ phiếu là có. Yếu tố thứ hai có thể ảnh hưởng rộng hơn, nhưng cũng không phải là yếu tố chi phối toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp niêm yết trong các ngành nghề khác nhau. Bất động sản không phải là toàn bộ thị trường.
Vì vậy lý do duy nhất khả dĩ lý giải việc gần như cả thị trường giảm giá 2 ngày cuối tuần qua là một phản ứng tâm lý khi nhà đầu tư nhìn vào xu hướng chỉ số hoặc trạng thái thị trường và giao dịch. Tín hiệu không vượt đỉnh lịch sử sẽ được diễn giải là thị trường đang dao động trong biên độ cố định. Như vậy có hai khả năng, một là VN-Index sẽ quay lại kiểm định ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.480 điểm, hai là điều chỉnh mạnh hơn, kiểm định đáy ngắn hạn 1440 điểm. Vì vậy hành động của các nhà đầu cơ ngắn hạn dĩ nhiên chỉ một cách là bán ra và chờ mua lại ở các ngưỡng hỗ trợ.
Đóng cửa tuần qua, VN-Index đang dừng tại 1.482 điểm, tức là quay về ngưỡng hỗ trợ đầu tiên. Những phiên đầu tuần tới thị trường sẽ cho thấy khả năng tạo đáy ở ngưỡng hỗ trợ này hay không.