Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh (13 lần tăng và 6 lần giảm). Mặc dù hiện tại giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 25.000-26.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2, nhưng so với đầu năm, xăng RON 95 vẫn đắt hơn 2.200 đồng/lít; E5 RON 92 cao hơn 1.900 đồng/lít; dầu diesel chênh lệch gần 6.600 đồng/lít...
Doanh nghiệp lãi đậm
Riêng trong quý II/2022, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 tăng tương ứng 6.036 đồng/lít và 5.230 đồng/lít lên lần lượt 32.870 đồng/lít và 31.300 đồng/lít (tại kỳ điều hành ngày 21/6).
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã tìm cách giảm thuế để hạ giá xăng dầu, nhưng nhiều nhà sản xuất và phân phối mặt hàng này hầu hết đều ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II.
Mới đây, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil, mã: OIL) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu đạt kỷ lục 30.412 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Oil ghi nhận 53.700 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ và lãi ròng thu về 793 tỷ đồng, tăng 70,5% so với nửa đầu năm ngoái, hoàn thành vượt 19% kế hoạch doanh thu và 27,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (GAS) cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu đạt 54.560 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và lợi nhuận là 6.920 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ và vượt 87% so với kế hoạch. Đây cũng là mức lợi nhuận 6 tháng cao nhất trong lịch sử kinh doanh của PV Gas.
Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ cũng ghi nhận doanh thu tăng vọt. Chẳng hạn như CTCP thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) - một trong 33 đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu thuần hơn 6.119 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ.
Tính trong 6 tháng, doanh thu thuần mà công ty xăng dầu này ghi nhận được là 9.869 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 89 tỷ đồng, thấp hơn năm ngoái khoảng 22 tỷ đồng nhưng việc kinh doanh đạt hiệu quả cao dẫn tới lãi gộp kỳ này của công ty đạt 153 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 98 tỷ đồng.
Hay như CTCP Vật tư Xăng dầu (Comeco) - chủ sở hữu 45 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM, Long An... cũng ghi nhận 1.368 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của nhà bán lẻ này vẫn ở mức hơn 11 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.
Còn với Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2022 của BSR đạt 9.910 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 12.222 tỷ đồng tăng 246% cùng kỳ 2021.
Khó thu hút dòng tiền
Nhìn chung, nhờ giá dầu thế giới và giá xăng trong nước tăng mạnh lên đỉnh 8 năm đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có lượng lớn tồn kho giá thấp.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, giá dầu thế giới đang trong giai đoạn có dấu hiệu hạ nhiệt và điều chỉnh mạnh sau khi đạt đỉnh. Bên cạnh đó, giá xăng trong nước cũng đang được kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu chống lạm phát. Dự kiến giá xăng dầu trong nước ngày 1/8 có thể tiếp tục giảm nhẹ.
Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể sẽ khó duy trì được tăng trưởng cao thời gian tới khi phải trích lập dự phòng cho các khoản tồn kho giá cao.
Chẳng hạn, tính đến 30/6, tồn kho của PV Oil đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm đầu năm và tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I. Công ty cũng đã trích lập dự phòng giảm giá hơn 31 tỷ đồng cho lượng tồn kho trên. Con số này tại thời điểm 31/3 ở mức 22,5 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research nhận định, mặc dù giá dầu vẫn đang ở mức cao nhưng đã có sự điều chỉnh từ đầu tháng 6, khiến cho giá dầu đang chững lại.
“Giá dầu từ nay tới cuối năm có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, và tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023 khi nguồn cung được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng của OPEC+ và Mỹ”, báo cáo nêu.
Nhìn chung, cổ phiếu dầu khí thường có xu hướng đi theo giá dầu, cho nên việc giá dầu chững lại có thể sẽ khiến nhóm này khó thu hút dòng tiền trong thời gian tới đây.
Thực tế, cổ phiếu xăng dầu sau thời gian tăng nóng đang ghi nhận diễn biến kém khả quan khi liên tục điều chỉnh giảm do ảnh hưởng giá dầu giảm.
Theo quan sát, tính từ phiên 1/6 đến chốt phiên 29/7, cổ phiếu BSR đã giảm từ 27.600 đồng/cp xuống 24.500 đồng/cp (-11,2%); cổ phiếu OIL giảm từ 15.300 đồng/cp xuống 12.600 đồng/cp (-17,6%); cổ phiếu PLC giảm từ 32.000 đồng/cp xuống 26.700 đồng/cp (-16,5%)…
Trao đổi với một chuyên viên tư vấn chứng khoán của Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, diễn biến giá dầu thô đang có xu hướng giảm do áp lực kìm chế lạm phát của các nước trên thế giới, điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.
Chẳng hạn như Lọc hóa dầu Bình Sơn, thông tin lợi nhuận cao đã phản ánh vào giá từ tháng 5 trước khi ra báo cáo. Vì vậy thông tin tốt về kết quả kinh doanh lúc này không còn nhiều tác dụng nâng đỡ cho đà tăng của cổ phiếu. Trước áp lực bán mạnh mẽ, cổ phiếu BSR đã hình thành xu hướng giảm giá và đang có tín hiệu hồi phục, song dòng tiền chưa đủ lớn và giá cổ phiếu đang tiến đến gần kháng cự 25 – 25.5. Mức hỗ trợ hiện tại là 21.5 – 22, khả năng nhà đầu tư tiếp tục theo dõi quan sát cổ phiếu này.