Andre Soelistyo, CEO của nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử và siêu ứng dụng Indonesia GoTo, tỏ ra khiêm tốn trước mức lỗ ròng tăng hơn 50% vào năm 2022, gọi giai đoạn này là "đầy thách thức" và là "điểm uốn" đối với công ty trong việc tạo ra lợi nhuận, theo Asia Nikkei.
“Năm 2022 đã thay đổi suy nghĩ của chúng tôi và cho chúng tôi thấy cách chúng tôi nên vận hành”, Soelistyo cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng trước khi GoTo công bố kết quả kinh doanh năm 2022.
GoTo tiết lộ rằng khoản lỗ ròng trong năm 2022 đã tăng 56% lên 40.400 tỷ rupiah (2,7 tỷ USD) từ năm 2021. Khoản lỗ phình to của công ty hiện cao hơn gấp ba lần so với doanh thu của nó, mặc dù doanh thu năm 2022 cũng đã tăng gấp đôi so với năm 2021 lên mức 11.300 tỷ rupiah.
Mặt khác, các công ty cùng ngành trong lĩnh vực công ở nghệ Đông Nam Á – bao gồm công ty thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia và Grab cùng với Sea của Singapore – đang dần nổi lên nhờ lợi nhuận của chính họ.
Kể từ khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia, giá cổ phiếu của GoTo đã sụt giảm, đóng cửa giảm 6% trong phiên giao dịch ngày 6/4 ở mức 101 rupiah/cổ phiếu, thấp hơn 2/3 so với mức giá chào bán lần đầu ra công chúng. Giá trị vốn hóa thị trường của GoTo hiện ở mức 119,600 tỷ rupiah.
CEO Piter Abdullah tại Viện nghiên cứu Segara có trụ sở tại Jakarta nói với Nikkei Asia: “Đối với GoTo, tôi có thể nói rằng điều không may mắn chống lại họ chính là thời điểm. Công ty được niêm yết ngay khi thị trường đang quay lưng lại với lĩnh vực này và các nhà đầu tư cũng bắt đầu quan tâm hơn tới lợi nhuận thay vì quy mô”.
Bất chấp những tổn thất ngày càng tăng, Soelistyo nhận thấy một dấu hiệu tích cực. "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trên con đường tăng tốc để đạt được lợi nhuận”, ông Soelistyo nói, đồng thời cho biết EBITDA của GoTo trong quý IV/2022 tiếp tục được cải thiện, đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp mà khoản mục này được cải thiện.
Dù vậy, các nhà phân tích nói rằng những thách thức vượt ra ngoài nhu cầu cắt giảm tài chính và công ty cần trở nên cạnh tranh hơn cũng như cải thiện các nguyên tắc cơ bản để bắt đầu kiếm tiền.
Jianggan Li, CEO Momentum Works, một công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore, cho biết: "GoTo đã thông báo rằng họ sẽ đưa ra các mục tiêu về lợi nhuận, nhưng họ đang phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh. Thách thức thực sự là họ đang cạnh tranh trên nhiều mặt trận với các đối thủ lớn hơn trong khu vực, những người có nhiều lợi thế về tiền mặt”.
GoTo cho rằng khoản lỗ ròng lớn hơn mà công ty ghi nhận trong năm qua đến từ một số lý do, bao gồm tổn thất lợi thế thương mại trị giá 11.000 tỷ rupiah liên quan đến việc sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia, vẫn là các đơn vị của tập đoàn.
GoTo cũng trích dẫn sự gia tăng chi phí thù lao dựa trên cổ phiếu do điều chỉnh tỷ lệ thay thế nhân viên giả định để phản ánh xu hướng lịch sử mới nhất và chi phí tái cơ cấu một lần hoặc chi phí phát sinh khi công ty tổ chức lại hoạt động, cùng những thứ khác.
GoTo không phải là công ty duy nhất ở Đông Nam Á đối mặt với những thách thức này, nhưng các công ty công nghệ khác trong khu vực lại đang đạt được những tiến bộ, bao gồm cả việc cắt giảm nhân sự.
Tháng trước, Sea (công ty mẹ Shopee) đã báo cáo lợi nhuận dương theo quý lần đầu tiên kể từ khi lên sàn 5 năm trước khi các nỗ lực tái cấu trúc, bao gồm cắt giảm hàng nghìn việc làm được đền đáp. Trong khi đó, Grab hiện dự kiến sẽ hòa vốn vào quý cuối cùng của năm 2023 trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh, sau khi thu hẹp khoản lỗ hàng năm xuống còn 1,74 tỷ USD vào năm 2022, cải thiện 51% so với một năm trước đó.
GoTo cũng đang tăng cường cắt giảm số lượng nhân viên. Tháng trước, công ty thông báo sa thải thêm 600 người, sau khi đã thông báo vào tháng 11/2022 rằng họ sẽ cắt giảm 1.300 nhân viên, tương đương 12% lực lượng lao động. Công ty cho biết đợt cắt giảm việc làm gần đây nhất là cần thiết để "tạo ra một tổ chức hợp lý hơn".
Các nhà phân tích hoan nghênh điều đó, nhưng nói rằng đó chỉ là một phần của giải pháp. "Chỉ cắt giảm việc làm sẽ không đủ", Li của Momentum Works, cho biết. Ông cho biết hành động cắt giảm nhân sự của GoTo là cần thiết trên nhiều mặt, bao gồm cắt giảm các hoạt động không cốt lõi, đồng thời cũng nhấn mạnh vào việc tăng hiệu quả và cải thiện lợi nhuận của các nhà quản lý đơn vị kinh doanh.
Trong khi đó, Reza Priyambada, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu CSA, cho rằng GoTo không cần thiết phải cải tổ bộ máy quản lý. Ông muốn đội ngũ GoTo hiện tại "tiếp tục tập trung vào cách quản lý các chi phí" và nỗ lực tăng doanh thu thông qua đổi mới.