Khi vẫn còn đó những hoài nghi về khả năng xoay sở nộp đủ số tiền lớn chưa từng có trong các cuộc đấu giá đất từ trước đến nay, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh – ông Đỗ Anh Dũng một lần nữa khiến giới đầu tư bất động sản ngạc nhiên với lễ khởi công tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Phú Quốc được tổ chức ngày hôm nay.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, tổ hợp Tân Hoàng Minh Phú Quốc là một trong những dự án đầu tư lớn nhất trên đảo Phú Quốc. Trong vòng ba năm tới, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tham vọng xây dựng 15 tòa tháp với 7.000-8.000 căn hộ du lịch, 76 biệt thự nghỉ dưỡng và 129 nhà phố thương mại trên khu đất có diện tích 34ha phía nam Bãi Trường – bãi biển dài nhất ở phía Tây đảo Phú Quốc.
Ngã rẽ chiến lược
Dự án Tân Hoàng Minh Phú Quốc là một ngã rẽ trong chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi chính thức đánh dấu bước chân đầu tiên của tập đoàn này vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Từ trước đến nay, ông Dũng khá “bảo thủ” với quan điểm chỉ tập trung đầu tư những dự án bất động sản có vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội và TP. HCM, bởi ông quan niệm, những bất động sản này luôn đón nhận nhu cầu cao nên luôn giữ giá và gia tăng giá trị theo thời gian, bất chấp nền kinh tế có thể rơi vào khủng hoảng.
Mặc dù đã thành công khi kiên định chiến lược này khi hoàn thành và chào bán thành công các dự án căn hộ cao cấp và hạng sang như D’. Le Pont D’Or, D’. Le Roi Soleil, D’. El Dorado I & II và D’. Capitale, và đang tiếp tục triển khai các dự án khác ở các quận trung tâm Hà Nội, nhưng ông Dũng hiểu rằng, nếu chỉ bạm trụ ở nội đô với phương châm “Đam mê và Hoàn Hảo”, Tân Hoàng Minh sẽ khó có thể “tăng tốc” trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản khác đang không ngừng lớn mạnh khi mở rộng địa bàn đầu tư.
Và khi phương châm mới là “hiệu quả, bền vững và tiến độ” được áp dụng với dự án D’. Capitale, ông Dũng nhận thấy việc quá tập trung vào các dự án nội đô trong khi đất đai khan hiếm và thủ tục đầu tư – xây dựng phức tạp, kéo dài và tốn chi phí, sẽ cản trở đà tiến bước của Tân Hoàng Minh với tham vọng trở thành nhà phát triển bất động sản cao cấp hàng đầu cả nước. Những dự án như Nam Đại Cồ Việt và khu đô thị Tân Hoàng Mai đã xúc tiến đầu tư nhiều năm những chưa thể khởi công là những minh chứng điển hình.
Vì thế, trong vài năm trở lại đây, trong khi vẫn tiếp tục tích lũy quỹ đất ở Hà Nội và TP. HCM, mà điển hình là chấp nhận trả tới 1 tỷ USD để sở hữu bằng được 10.060m2 đất tại Thủ Thiêm trong cuộc đấu giá rúng động dư luận hơn nửa tháng trước, Tân Hoàng Minh bắt đầu săn dự án ở các tỉnh thành khác.
Vốn chỉ đầu tư những dự án hạng sang phù hợp với đối tượng khách hàng giàu có ở hai thành phố lớn nhất nước, ông Dũng đã bất ngờ xuất hiện ở những tỉnh thành xa xôi hơn như Thái Nguyên, Daklak, Hòa Bình, Hà Tĩnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư, từ những dự án nhà ở cho đến dự án du lịch nghỉ dưỡng và khu công nghiệp.
Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xem như mũi nhọn chiến lược thứ hai của Tân Hoàng Minh, với dự án làng nghỉ dưỡng phong cách Thụy Sỹ ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình, và đáng kể nhất là tổ hợp Tân Hoàng Minh Phú Quốc.
Lách qua khe cửa hẹp
Việc Tân Hoàng Minh tiến được vào Phú Quốc có thể xem như “kỳ tích” bởi phải lách qua khe cửa rất hẹp. Mặc dù ông Dũng đã đến Phú Quốc rất nhiều lần trong nhiều năm qua và mặc dù rất mê vẻ đẹp của đảo Ngọc và muốn đầu tư nhưng ông cũng không có cơ hội. Đơn giản là vì, tất cả những vị trí đẹp nhất có thể phát triển được dự án quy mô tầm cỡ đều đã được các doanh nghiệp “xí phần”.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản có dự án ở Phú Quốc cũng xác nhận, ngay ở thời điểm năm 2010 khi lần đầu đặt chân đến Phú Quốc, ông cũng không thể tìm được mảnh đất “vô chủ” để lập dự án, mà sau này buộc phải mua lại từ công ty khác.
Nhưng mấy năm trước, việc mua lại dự án ở Phú Quốc cũng không dễ, bởi lúc đó, du lịch bùng nổ, bất động sản nghỉ dưỡng lên cơn sốt, hầu như không có chủ đầu tư nào muốn bán, hoặc nếu có ý định bán thì cũng đòi với giá rất cao. Chính vì thế, “cửa” cho nhà đầu tư mới bước chân vào Phú Quốc gần như đã khép.
Cũng chính vì thế, ông Dũng nói rằng, việc Tân Hoàng Minh đặt chân được đến Phú Quốc là “duyên” và nếu dịch Covid-19 không xảy ra thì ông cũng khó có được “mối duyên” này.
Ông Dũng kể lại, do chủ đầu tư cũ của dự án gặp khó khăn về tài chính nên họ xây dựng dở dang rồi dừng lại và buộc phải chào bán để thu hồi vốn. Ông Dũng nhận thấy khó có thể bỏ qua cơ hội này giữa lúc tập đoàn đang mở rộng đầu tư nên đã quyết định mua lại và Phú Quốc giờ đây là bàn đạp để Tân Hoàng Minh tấn công vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, quyết định đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng của ông Dũng vào thời điểm này có thể coi là “ngược sóng”. Trong suốt nhiều năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ, biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng có giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng vẫn cháy hàng, nhưng Tân Hoàng Minh lại đứng ngoài “cuộc chơi”.
Và khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm, do một số chủ đầu tư một số dự án condotel “xù” cam kết lợi nhuận khiến nhà đầu tư chùn tay và dịch Covid-19 khiến cho kinh doanh du lịch – khách sạn tê liệt suốt hai năm qua, Tân Hoàng Minh lại quyết định nhảy vào và khởi đầu bằng một dự án quy mô lớn chứ không qua bước đi thận trọng mang tính thăm dò.
Hơn nữa, dù đặt chân được vào Phú Quốc nhưng Tân Hoàng Minh vẫn chỉ là “kẻ đến sau”. Phía Bắc đảo đã có quần thể nghỉ dưỡng quy mô khủng của Vingroup, phía Nam đảo là các dự án của Sungroup bao phủ. Còn trung tâm đảo – khu vực Bãi Trường – cũng có sự hiện diện từ lâu của CEO Group, BIM Group và Milton. Các dự án này đã triển khai bán biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng suốt mấy năm qua, cũng có nghĩa là đã “hớt váng” toàn bộ khách hàng tiềm năng. Vì thế, Tân Hoàng Minh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để không những tìm kiếm được lượng khách hàng mua bất động sản mà còn phải thu hút được lượng khách du lịch rất lớn để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho tổ hợp du lịch đồ sộ của mình.
Mặc dù vậy, ông Dũng vẫn tự tin triển khai dự án với tiến độ thần tốc, mà tại lễ khởi công, ông tuyến bố sẽ có thể cắt băng khánh thành sau bốn năm nữa, hoặc thậm chí sớm hơn là ba năm. Theo ông Dũng, quần thể này sẽ được đầu tư đồng bộ, công phu, từ thiết kế kiến trúc, hạ tầng tiện ích, cảnh quan đến quản lý vận hành sẽ mang một “tinh thần” rất khác, vô cùng náo nhiệt, sôi động theo mô hình “thành phố không ngủ”.
Theo ông Dũng, mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư tiên phong đặt chân đến Phú Quốc và nhiều công trình đã được xây dựng, nhưng dư địa để đầu tư vào Phú Quốc vẫn còn rất lớn, bởi trong tương lai, Phú Quốc không chỉ có cơ hội trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam mà còn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á và cả thế giới, nhờ vị trí địa lý thuận lợi cho các chuyến bay 2-3 tiếng đến các thị trường du lịch trọng điểm trong khu vực, cùng như biển xanh, cát trắng, nắng vàng và đặc biệt là không có bão.
Nhưng quan trọng hơn, theo ông Dũng, càng có thêm nhiều dự án mới với quy mô lớn, cung cấp dịch vụ và trải nghiệm đa dạng có thể phục vụ thâu đêm suốt sáng, thay vì đơn thuần ăn hải sản, chơi casino hay thăm vườn thú safari, Phú Quốc sẽ tiến nhanh hơn đến mục tiêu trở thành điểm đến của khách du lịch toàn cầu, có thể cạnh tranh được với các thủ phủ du lịch trong khu vực cũng như trên thế giới.
Cùng chia sẽ quan điểm này, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group cho rằng, Phú Quốc đang chứng tỏ ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, và sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn ở thời kỳ “hậu Covid-19” như Tân Hoàng Minh, Thaiholdings hay IPP sẽ giúp “nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ” đưa Phú Quốc thành trung tâm du lịch của thế giới.
Theo ông Bình, trong làn sóng đầu tư vào Phú Quốc khoảng 10 năm trước, các nhà đầu tư lúc đó không chỉ nhìn thấy một Phú Quốc vẫn còn hoang sơ mà còn có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch của cả nước và trong khu vực. Chính vì thế, họ đã đăng ký đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng vào hòn đảo này, và trong suốt 5 năm qua đã khởi động nhiều dự án lớn, mang lại diện mạo hoàn toàn mới Phú Quốc.
Theo ông Bình, bên cạnh dự án của Tân Hoàng Minh, Thaiholdings mới đây đề xuất xây khu du lịch có cảng hàng không vũ trụ với tổng vốn đầu tư tới 30.000 tỷ đồng, hay tập đoàn IPP được chấp thuận đầu tư khu phi thuế quan có tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, là những tín hiệu tích cực cho thấy “chính nhà đầu tư Việt mới làm cho Phú Quốc vang danh toàn cầu như một trung tâm du lịch”, thay vì dựa vào nguồn lực nước ngoài.
“Phú Quốc là điểm đến điển hình cho một Việt Nam có tầm nhìn trở thành một cường quốc du lịch, không chỉ cạnh tranh với Thái Lan hay Malaysia, mà còn có thể cạnh tranh với vùng Địa Trung Hải hay Carribe”, ông Bình kỳ vọng.
Để có thể cạnh tranh được, ngoài việc phải hệ thống hạ tầng hoàn thiện, Phú Quốc cần có những sản phẩm mới, đa dạng, tạo ấn tượng với du khách thì mới có thể thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Đây cũng chính là trăn trở của ông Dũng khi quyết định đầu tư một tổ hợp có kiến trúc độc bản, nhiều dịch vụ, trải nghiệm phong phú và đa dạng để có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách du lịch và ông cam kết mang đến cho đảo Ngọc “một kiệt tác xứng tầm, mang tính biểu tượng của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng biển”.