Đâu là nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng mạnh?

16/02/2022 20:36

Giá xăng dầu hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong 8 năm qua. Giá xăng dầu tăng mạnh cũng đang tạo áp lực lên nền kinh tế, hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 11/2, mỗi lít xăng E5 RON 92 cao nhất là 24.570 đồng một lít (tăng 980 đồng); RON 95 là 25.320 đồng một lít (đắt thêm 960 đồng).

Với đà tăng lần này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng một lít với RON 95 và đánh dấu mức cao nhất từ tháng 8/2014.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Dầu hỏa là 18.750 đồng một lít, tăng 960 đồng. Dầu diesel là 19.860 đồng một lít, tăng 960 đồng. Dầu madut là 17.650 đồng một kg, tăng 660 đồng

Tính riêng trong năm qua, từ mức giá 15.948 đồng/lít xăng E5 RON 92 đầu năm 2021, mặt hàng này đã lên 24.570 đồng/lít, tức là tăng gần 8.700 đồng.

Xăng RON 95 từ mức 16.930 đồng/lít đầu năm 2021, sau 1 năm đã lên mức 25.320 đồng/lít, tăng 8.390 đồng.

Với các mặt hàng này, trong 5 lần điều chỉnh gần đây nhất đã tăng dao động từ 2.490-2.520 đồng/lít tùy loại.

Thiếu hụt nguồn cung

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù, giá dầu thô đã tăng trên 60% trong hơn một năm qua, đạt mức 94 USD/thùng, nhưng các nhà khai thác đã không tăng sản lượng. Một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông 2021-2022 khắc nghiệt, lạnh sớm nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.

Thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá xăng dầu trong nước và cả thế giới tăng cao.

Tại châu Âu, từ mấy tháng trở lại đây, giá xăng dầu tăng liên tục hàng tuần. Giữa tháng 10 năm 2021, giá nhiên liệu tại châu Âu đã lên tới mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Tuy vậy kỷ lục này đã bị phá vỡ và không thể so với giá xăng dầu tại thời điểm hiện nay. Ngày 8/2/2022 giá dầu diezel đã lên mức kỷ lục.

Tại Bỉ, một lít dầu diezel là 1,78 euro, xăng 95 là 1,66 euro. Tại Anh, giá xăng dầu đã tăng đến mức kỷ lục, 1 lít dầu diezel là 151 xu Anh, 1 lít xăng là 147 xu Anh.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, giá xăng dầu đã tăng lên mức cao, vượt xa mọi dự đoán trước đó, nguy cơ tăng cao thêm nữa nếu chiến tranh bùng phát trên biên giới Ukraine, hoặc Mỹ cấm vận ngăn cản Nga bán dầu thô. Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh giảm giá lại càng xa vời.

Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn.

Bộ Công Thương cũng cho biết, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.

75% nhu cầu thị trường nhưng phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất. Trong đó, Nghi Sơn chiếm gần 40% nguồn cung.

Bởi thế, Nghi Sơn chỉ giảm 20% công suất là thị trường chao đảo. Và đây không phải lần đầu tiên (năm 2019 Nghi Sơn đã từng dừng sản xuất vì sự cố điện cũng khiến tạo ra cơn khan hiếm xăng dầu cục bộ).

Giải pháp nào để kìm hãm?

Để chặn đà tăng của giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn tăng chưa có điểm dừng và hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm lớn, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, tính tổng thể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có đơn vị âm, có doanh nghiệp vẫn dương.

Song quỹ này cũng có hạn, nên nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD một thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước sẽ phải dùng các công cụ khác như thuế, phí.

Bởi, nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hóa một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.

"Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp điều hành giá xăng dầu khi tình hình thị trường căng thẳng hơn" - ông Đông nói.

Một trong những công cụ điều hành được nhiều chuyên gia đề cập tới để “kìm” giá xăng dầu trong nước là giảm thuế. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, hiện trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu, thuế và phí chiếm hơn 40% gồm: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường.

Trong đó, đáng kể nhất là mức thuế bảo vệ môi trường, với mỗi lít xăng ở mức 3.000-4.000 đồng/lít.

Do đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, khi giá xăng dầu tăng mạnh, điều đầu tiên cần làm là xem xét các yếu tố cấu thành nên giá, trong đó có các loại thuế: 'Mặc dù thuế, phí không phải là yếu tố cơ bản khiến giá xăng dầu tăng, nhưng do cơ cấu trong giá và khi giá xăng dầu tăng cao thì cần xem xét trước hết là từ các yếu tố làm nên giá xăng dầu, trong đó có các loại thuế.

Nếu như liên quan đến việc sản xuất và tiêu dùng thì biện pháp đầu tiên chúng ta cần nghĩ đến là giảm cơ cấu của thuế. Vậy thì nên tính toán mức giảm là bao nhiêu, giảm thế nào cho hơp lý'.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chưa thực hiện, hoặc chưa ưu tiên sử dụng các công cụ bảo hiểm giá thông qua việc giao dịch hợp đồng phái sinh tại Sở giao dịch hàng hóa: 'Trên thế giới, đây được xem là nghiệp vụ gần như bắt buộc của mọi tập đoàn, công ty kinh doanh xăng dầu, giúp họ tránh được những rủi ro khi giá dầu lên xuống bất thường.

Tôi cho rằng đây là một sự lãng phí, bởi công cụ đã có, nhưng chúng ta chưa dám mạnh dạn thực hiện bảo hiểm giá, điều mà thế giới đã làm hàng chục năm nay. Bảo hiểm giá vừa tốn ít chi phí, vừa giúp doanh nghiệp tự chủ động được giá dầu vào. Đây được xem là một công cụ hiệu quả giúp thị trường xăng dầu trong nước vận hành một cách ổn định và hiệu quả"- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu ý kiến.

Có thể thấy, giảm thuế, phí; sử dụng linh hoạt bình ổn giá, hay các công cụ bảo hiểm giá… là những biện pháp được các chuyên gia đề cập trong việc kìm đà tăng phi mã của giá xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp mạnh tay hơn nữa nhằm bình ổn giá xăng dầu, góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và hỗ trợ phục hồi sản xuất, đặc biệt sau thời gian dài bị ngưng trệ vì dịch bệnh.

Bạn đang đọc bài viết "Đâu là nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng mạnh?" tại chuyên mục Tiêu Dùng. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).