Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, Quốc hội Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.
Theo danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng giai đoạn 2016 - 2021, Hà Nội có 6 dự án gồm: Dự án nhà ở sinh viên cụm trường tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp; dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; dự án bảo tàng Hà Nội; dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (metro số 2); dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội
Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Được biết, dự án này đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008. Theo quyết định này, tổng chiều dài tuyến 11,5km, trong đó 8,5km đường đi ngầm, 3km đi cao.
Điểm đầu Nam Thăng Long (CIPUTRA) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2009-2015, thời gian bảo dưỡng dự kiến khoảng 5 năm. Tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội là 3.079 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mới đây, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã đề xuất điều chỉnh đoạn tuyến đi ngầm thành 8,9km và đoạn tuyến trên cao thành 2,6km. Nguyên nhân do thay đổi phương án dọc tuyến, đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm, đồng thời thay đổi phạm vi giữa 2 phần trên cao và ngầm.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án được điều chỉnh là 92,04ha thay vì 49,06ha theo quyết định ban đầu do xác định lại hành lang bảo vệ tuyến cho đoạn đi cao và ranh giới tuyến đoạn đi ngầm trên cơ sở quy hoạch tổng mặt bằng tuyến và ga đã được UBND thành phố phê duyệt
Trên cơ sở điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh tăng lên 35.679 tỷ đồng, tăng 16.124 tỷ đồng so với quyết định được phê duyệt.
Dự án nhà ở sinh viên cụm trường tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp
Dự án được khởi công từ năm 2009 xây dựng trên diện tích 40.000m2 trong khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp. Tổng kinh phí dự kiến 1.500 tỷ đồng, với quy mô 6 tòa nhà cao tầng, sức chứa 22 nghìn sinh viên, dự kiến đi vào hoạt động năm 2011.
Thế nhưng đến nay, dự án mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng 3 tòa nhà, nhưng hầu như bị bỏ không, trong khi đó hàng nghìn sinh viên vẫn phải thuê phòng trọ với mức giá cao gấp nhiều lần so với mức giá 205.000 đồng/người/tháng.
Hiện vẫn còn 3 tòa chung cư mới hoàn thành phần thô đang bị bỏ không và trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, lãng phí ngân sách nhà nước. Năm 2020, do tỷ lệ sinh viên ở thấp nên tòa nhà được thành phố Hà Nội trưng dụng làm cơ sở điều trị tập trung bệnh nhân Covid-19 sau đó đóng cửa đến thời điểm này.
Biến động giá, tầm nhìn và quy hoạch hạn chế được cho là những nguyên nhân khiến dự án không thể triển khai và sự lãng phí về đất đai, ngân sách nhà nước sau hơn 10 năm qua là không hề nhỏ.
Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích
Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú (xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì) được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.914 tỷ đồng, với mục tiêu cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích 16.000ha; cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; cải tạo môi trường sinh thái và bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực…
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm trì trệ, dự án đang được lãnh đạo thành phố Hà Nội đốc thúc, chỉ đạo hoàn thành giai đoạn I trong năm 2022.
Theo đại diện chủ đầu tư, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Cụ thể, các hạng mục cống đầu mối, kênh dẫn hạ lưu và thượng lưu cống đã hoàn thành, 18km trên tổng số 27,6km lòng dẫn cơ bản hoàn thành.
Vừa qua, nhà thầu dự án đã hoàn tất việc thi công cống điều tiết Đầm Long, sáu cầu giao thông, bốn trạm bơm tưới, 23 cống tiêu 18km đường hai bờ sông Tích…
Để hoàn thành 30% khối lượng còn lại của dự án, đơn vị thi công đã lập kế hoạch và tiến độ thi công chi tiết, sẵn sàng huy động đầy đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị, phấn đấu trước ngày 31/12/2022 sẽ thông dòng sông Đà với sông Tích.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện phần khối lượng công việc còn lại là công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều vị trí dù đã được bàn giao mặt bằng, nhưng không liền tuyến, không có đường công vụ để tổ chức thi công...
Dự án bảo tàng Hà Nội
Dự án Bảo tàng Hà Nội chia làm 2 giai đoạn với tổng đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn I của dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010. Giai đoạn II gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Tại buổi kiểm tra dự án vào cuối tháng 8/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề nghị cần nghiên cứu đề xuất thành phố thực hiện cơ chế đặt hàng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành dự án trưng bày xong muộn nhất là tháng 6/2024 để kịp đưa vào vận hành từ tháng 10/2024.
Đáng chú ý, ông Dũng nêu rõ nếu nhà thầu, đơn vị tư vấn, thiết kế không đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, thay thế, quyết không để vì lý do này mà làm dự án kéo dài lâu hơn.
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, chủ đầu tư, nhà thầu, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động rà soát, đánh giá lại tiến độ cụ thể của từng gói thầu, hạng mục, phần việc của các dự án, công trình; nhất là làm rõ từng khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương hướng, cách thức giải quyết gắn với trách nhiệm cá nhân phụ trách.
"Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo sát sao từng dự án, thường xuyên giao ban kiểm đếm kết quả; yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để bóc tách, giải quyết dứt điểm từng khó khăn, vướng mắc. Mục tiêu là phải sớm đưa các công trình dự án về đích, vận hành hiệu quả", ông Dũng lưu ý.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội
Dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là dự án thí điểm lần đầu thực hiện tại Việt Nam, có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phức tạp, việc thống nhất chủ trương triển khai dự án cần có ý kiến của nhiều Bộ, ngành, cần có cơ chế đặc thù của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở đàm phán, ký kết nghị định thư vay vốn, đặc biệt là khó khăn trong lựa chọn tư vấn của dự án chỉ được giải quyết khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định thầu tại văn bản số 356/TTg CN ngày 23/3/2007.
Với cơ chế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ngày 10/4/2006, dự án đã được ký vay vốn ODA của Chính phủ Pháp giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Pháp và ngày 22/11/2007 tư vấn thực hiện dự án đã được lựa chọn thông qua chỉ định theo quy định của khoản vay ODA của Chính phủ Pháp và chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án có quy mô tổng chiều dài 12,5km, 1 depot và 12 ga (8,5km đi trên cao với 8 ga và 4km đi ngầm với 4 ga). Tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro (gồm: 958 triệu Euro vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB, Ngân hàng đầu tư châu Âu - EIB và 218 triệu Euro vốn đối ứng).
Dự án bao gồm 10 gói thầu chính: 5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu hệ thống cơ điện thiết bị và 1 gói thầu tư vấn thực hiện dự án.
Tính đến hết tháng 8/2022, dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến độ tổng thể chung của dự án hiện đạt chỉ khoảng 75% (trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%).
Đáng chú ý, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố đã đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước.
Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có tổng vốn đầu tư 16.300 tỷ đồng với 84% là nguồn vốn ODA Nhật Bản. Nhà máy được khởi công xây dựng năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2022.
Nhà máy có diện tích 13,8ha, nằm ở cánh đồng Yên Xá, ngay cạnh trục đường đôi nối từ Nguyễn Xiển đi Xa La (quận Hà Đông). Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải.
Công suất thiết kế 270.000m3/ngày, chiếm 55% lượng nước thải của Hà Nội. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá do nhà thầu xây dựng là liên danh JFE - TSK (Nhật Bản) thực hiện đã hoàn thành công tác xây dựng công trình tạm, công tác cọc PHC và CDM, hạng mục khoan kích ngầm đã hoàn thành 100%.